Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV hoạt động không ngừng nghỉ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sáng 14/8, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên chủ trì cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV.
Đến nay, tại khai trường năm 7-8 UBND huyện Đắk R'lấp đã phê duyệt được 11 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 132 hộ, với diện tích 112,9ha.
Đồng thời, huyện đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 114 hộ/93,1ha và bàn giao mặt bằng được 27,08ha.
Đối với khai trường năm 9-10, huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất đến các hộ dân và đang triển khai thực hiện việc niêm yết, tổ chức họp dân để làm cơ sở thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm.
Khu tái định cư thôn 11 hiện đã hoàn thiện được việc kiểm kê của 31/41 hộ, với khoảng 5,5ha và đang thực hiện khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công.
Với các khu tái định cư mới đã được HĐND huyện Đắk R’lấp thông qua quy hoạch chi tiết 1/500 và đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân chặn xe, cản trở hoạt động khai thác do liên quan đến việc áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Việc thu hồi đất để đầu tư hồ tuyển rửa số 2 vẫn chưa triển khai thực hiện được do vướng mắc trong việc thuê lại đơn vị tư vấn. Do đó đã ảnh hưởng lớn hoạt động tuyển, rửa của nhà máy tuyển.
Hiện nay, phần diện tích 100ha ngoài ranh đã thu hồi từ khai trường năm 1-6 và đang bàn giao cho UBND cấp xã quản lý còn nhiều bất cập, chưa phù hợp theo quy định…
Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông Nguyễn Bá Phong cho biết: “Hiện mặt bằng đã có, nhưng do không có đường đi nên công ty không thể vào khai thác. Hơn nữa, số diện tích được giao đúng vào thời điểm mùa mưa nên không làm gì được. Một số diện khai thác lại không liền mạch”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương tiếp tục cầu thị, lắng nghe những kiến nghị của người dân và khẩn trương xử lý. Đồng thời, cương quyết xử lý những trường hợp cố tình gây rối, làm sao nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, bảo đảm cho hoạt động của nhà máy không ngừng, không nghỉ.
Quá trình thực hiện phải bảo đảm tuân thủ pháp luật, tính đồng bộ giữa các chính sách với nhau; phải mang tính liên tục và bảo đảm về mặt thực tiễn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Công an tỉnh sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế ứng xử về gây rối trật tự gắn với trách nhiệm ở cơ sở.
Các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần có sự phối hợp nhịp nhàng để có căn cơ trong xây dựng cơ chế, chính sách trong tương lai, nhất là liên quan tới tư liệu sản xuất của người dân. Trong cách ứng xử với người dân phải hết sức linh hoạt, nhất là cán bộ trực tiếp xử lý công việc.