Lan tỏa trường học an toàn, hạnh phúc
Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai mô hình “Happy School - Trường học hạnh phúc”. Mô hình nhanh chóng được nhân rộng và nhận được sự hưởng ứng của nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
An toàn, lành mạnh để học tập
Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công mô hình trường học hạnh phúc đó là sự an toàn, không có sự xúc phạm, xâm hại về thể chất và tinh thần. Trong thời điểm bạo lực học đường và các loại hình tội phạm phức tạp có dấu hiệu gia tăng, thì bảo đảm trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện là mục tiêu của các cơ sở giáo dục.
Tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), những năm qua, thầy và trò của trường đều nỗ lực xây dựng một môi trường lành mạnh, an toàn. Không chỉ tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, giáo viên trong trường còn thường xuyên nhắc nhở học sinh nâng cao nhận thức phòng tránh các tệ nạn xã hội, đặc biệt là cảnh giác trước ma túy.
Thầy Đặng Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ, trước đây có một nhóm đối tượng thường lựa chọn bãi đất trống gần trường học để sử dụng ma túy. Tình trạng bơm kim tiêm, vỏ chai nước cất, lưỡi dao lam… tràn lan tại khu vực này khiến nhà trường rất lo lắng về sự an toàn của học sinh.
Xuất phát từ thực tế này, trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền nhắc nhở các em tránh xa những nơi nguy hiểm, đặc biệt là ý thức phòng tránh tệ nạn xã hội.
“Để bảo đảm an toàn cho học sinh và an ninh, trật tự cho môi trường học tập, trường đã đề nghị với chính quyền địa phương có biện pháp can thiệp, xử lý. Đồng thời với đó, chúng tôi cũng đề nghị phụ huynh quản lý, đưa đón con đúng giờ, thường xuyên hỏi han, nắm bắt tâm lý của các cháu. Đối với học sinh, nhà trường phối hợp các nhóm công tác xã hội, trạm y tế để chia sẻ kỹ năng sống cho các em, thông qua các hoạt động này, học sinh đã biết tự chăm sóc sức khỏe; biết sống khỏe mạnh và an toàn”, thầy Đặng Thanh Hải nói.
Trong khi đó, trước tình trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào trường học, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe, tâm lý học tập của học sinh, một nhóm học sinh của Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) đã thực hiện đề tài Phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học, tham dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Đắk Nông.
Không chỉ thầy cô giáo, học sinh, nhiều phụ huynh cũng cho rằng đây là đề tài sáng tạo, cung cấp kiến thức, từ đó học sinh biết cách bảo vệ mình trước thuốc lá điện tử. Đề tài được ban tổ chức đánh giá cao và trao giải nhì chung cuộc.
Thầy Nguyễn Khắc Nghị, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Mục đích của nhóm nghiên cứu là tạo ra được thiết bị cảnh báo tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử trong trường học nhằm quản lý chặt chẽ, phát hiện kịp thời học sinh hút thuốc lá trong học đường. Nếu thiết bị này được phát triển, lắp đặt tại nhiều vị trí, chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn triệt để việc sử dụng thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng, đồng thời định hướng cho các em học sinh, cộng đồng hướng đến một lối sống lành mạnh không hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc lá”.
Tôn trọng và yêu thương
Vừa qua, Trường THPT Nguyễn Du (Đắk Mil) tổ chức một chuyên đề ngoại khóa với chủ đề Hãy lên tiếng về “body shaming” (miệt thị ngoại hình) trong học đường. Đây có thể coi là chủ đề khá mới mẻ, nhưng luôn nhận được sự quan tâm của học sinh và toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện cũng mới chỉ có Trường THPT Nguyễn Du tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa để nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề này.
Cô Trần Thị Hoài Thanh, Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ, body shaming là hiện tượng đang dấy lên những làn sóng tranh luận của dư luận trong thời gian gần đây. Thực tế, có rất nhiều người gặp những vấn đề về tâm lý và thú nhận bản thân mình bị tổn thương bởi body shaming từ người khác.
“Hiện nay các em học sinh khối THPT đang có sự thay đổi trong nhận thức, tâm lý, hành vi, chính vì thế các em sẽ là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ hành vi miệt thị ngoại hình. Chỉ cần một lời nói, thậm chí là một ánh mắt, hành động chỉ trỏ cũng khiến tâm lý các em bị ảnh hưởng. Nhận thấy tình trạng miệt thị ngoại hình ảnh hưởng xấu đến đời sống và học tập của các em, nhà trường đã triển khai buổi ngoại khóa này để học sinh có sự nhìn nhận đúng đắn và cách vượt qua body shaming” cô Trần Thị Hoài Thanh thông tin.
Tham dự ngoại khóa, rất nhiều học sinh đã đặt câu hỏi cho phía ban tổ chức. Phần lớn các em đều có sự hiểu biết về body shaming, tuy nhiên thay vì lên tiếng phòng chống, có những trường hợp im lặng, chấp nhận, từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực. Chính vì thế, buổi ngoại khóa còn cung cấp cho học sinh những biện pháp để phòng chống hoặc cách vượt qua body shaming.
Thầy Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du đánh giá, hoạt động ngoại khóa đã cung cấp kiến thức, sự hiểu biết về body shaming cho học sinh. Qua đó, xác định thái độ và hình thành các hành vi phù hợp trước các tình huống, để từ đó có những quyết định mang tinh thần trách nhiệm trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nói: “Buổi ngoại khóa đã góp phần giáo dục, hình thành cho các em một số kỹ năng sống phù hợp với từng hoàn cảnh; biết ứng phó với một số tình huống nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt bản thân; biết sống trong sáng, lành mạnh, đoàn kết hòa đồng, chia sẻ những khó khăn. Điều đặc biệt, các em đã nhận thức rõ rằng, không ai là hoàn hảo cả nhưng chúng ta sẽ cùng nhau hoàn thiện trong tương lai”.
Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình không đơn giản, dễ dàng, thậm chí nhiều thử thách. Tuy nhiên, để bảo đảm cho học sinh có một môi trường an toàn, lành mạnh, có điều kiện học tập tốt nhất, việc xây dựng trường học hạnh phúc được coi là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục Đắk Nông.