Lan tỏa tình yêu sách

Mỹ Hằng| 05/05/2022 08:56

Cùng với các địa phương trong cả nước, ngày 21/4, tại huyện Đắk Mil, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022, với nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, góp phần lan tỏa tình yêu sách trong cộng đồng.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc tỉnh Đắk Nông năm 2022 có nhiều hoạt động như trưng bày, giới thiệu hơn 10.000 đầu sách với đầy đủ thể loại về đất nước, con người; tài liệu về thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống xã hội; quá trình chuyển đổi số trên lĩnh vực kinh tế - văn hóa; những tác phẩm nổi bật trong kỷ nguyên số…

Ấn tượng đầu tiên khi đến với không gian ngày sách là sự bài trí công phu, bắt mắt, với phong phú các đầu sách, sắp xếp theo từng chủ đề, lứa tuổi rất dễ tiếp cận.

Sách luôn có sự cuốn hút riêng

Không gian sách về Bác Hồ trưng bày nội dung về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không gian sách chính trị giới thiệu sách về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; thành tựu đổi mới đất nước, biển đảo quê hương…

Những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu nhi, nhất là sự trải nghiệm mô hình thư viện thu nhỏ thông qua xe thư viện lưu động đa phương tiện với hơn gần 1.000 cuốn sách cùng với các máy tính kết nối internet, thu hút đông đảo các em học sinh, thiếu nhi tham gia. Trước giờ khai mạc, có nhiều học sinh, bạn đọc yêu sách đã đến tham quan, tìm đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.

Các em nhỏ trải nghiệm và đọc sách một cách say mê

Với người yêu sách thì việc tham gia ngày hội là một niềm vui lớn, bởi không chỉ được tiếp cận những đầu sách mới, sách hay do các nhà xuất bản giới thiệu, mà còn được giao lưu, gặp gỡ những người có chung niềm đam mê. Ngoài việc được tham quan, đọc sách miễn phí, nhiều người còn tranh thủ mua sách về tặng cho bạn bè, người thân.

Em Nguyễn Võ Thảo My, lớp 10A4, Trường THPT Phan Chu Trinh (Đắk Mil) vui vẻ: “Ngày Sách Việt Nam hàng năm thường có nhiều hoạt động liên quan, nên em cứ mong chờ nhanh cho đến tháng 4. Tham gia ngày hội, em có thể tìm đọc những cuốn sách hay mà ở thư viện trường không có và vui hơn khi thấy có nhiều người mê đọc sách như mình”.

Tại ngày sách, Thư viện tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số”. Đông đảo phụ huynh, học sinh, giáo viên và cán bộ thư viện thảo luận xung quanh chủ đề hết sức thú vị này vì phù hợp với thực tế văn hóa đọc hiện nay.

Mô hình thư viện thu nhỏ thông qua xe thư viện lưu động đa phương tiện thu hút các em học sinh

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời kỳ chuyển đổi số, mặc dù có sự "cạnh tranh" mạnh mẽ giữa sách điện tử và sách giấy nhưng đều đem đến cho độc giả, người yêu sách những kiến thức bổ ích về mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả, để tiếp cận với kho tri thức khổng lồ của nhân loại, dù có là sách điện tử hay sách giấy, đòi hỏi mỗi người phải có niềm đam mê đọc sách, bồi dưỡng kiến thức, tâm hồn.

Một số phụ huynh còn nêu những kinh nghiệm về việc tạo thói quen đọc, định hướng lựa chọn sách lành mạnh, phù hợp cho con em mình, với tinh thần "để lại cho con một cuốn sách còn hơn để một kho báu".

Cán bộ thư viện thì chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm vận hành thư viện trong thời kỳ chuyển đổi số và kinh nghiệm đọc sách, kỹ năng thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang, Trường THCS Phan Chu Trinh (Đắk Mil) chia sẻ: “Văn hóa đọc hiện đang bị lãng quên, nhiều người chưa tìm thấy niềm đam mê đọc sách, bởi sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ, tiện ích mới. Là giáo viên dạy môn Văn nên tôi rất mong muốn hình thành cho các em thói quen đọc sách để nâng cao kiến thức cũng như vốn từ ngữ phong phú. Muốn phát triển được kỹ năng đọc cho học sinh thì sự lồng ghép các buổi sinh hoạt ở nhà trường rất quan trọng. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ thư viện thì kỹ năng, thói quen đọc sách của học sinh sẽ được nâng lên”.

Đông đảo các em học sinh đến tìm đọc sách

Chị Nguyễn Thị Tuyết Thanh, cán bộ Thư viện Trường THCS Phan Chu Trinh (Đắk Mil) nói: “Tôi là người thường xuyên đọc sách và tiếp cận với sách nên muốn các em học sinh đam mê đọc sách thì phải tạo được thói quen, niềm yêu thích với sách. Theo kinh nghiệm thực tế từ bản thân và gia đình tôi thì ngay khi con còn nhỏ, tôi đã thường xuyên kể những câu chuyện cổ tích và đọc sách cho các con nghe. Khi con đã hiểu biết chữ thì con sẽ đọc cho mình nghe. Sau đó, mình mua những cuốn sách theo sở thích, chủ đề, phù hợp với lứa tuổi và quan trọng nhất là để con tự trình bày về nội dung, vấn đề mà sách đề cập đến để có thêm tư duy và đam mê sách”.

Cuộc sống ngày càng phát triển, có nhiều sự lựa chọn nhưng sách luôn khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách của con người. Vì vậy, việc khuyến khích phong trào, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng luôn là vấn đề hết sức cần thiết, góp phần lan tỏa tình yêu sách, giúp mỗi người xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, nhân văn, hướng đến chân thiện mỹ.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/lan-toa-tinh-yeu-sach-92817.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/lan-toa-tinh-yeu-sach-92817.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lan tỏa tình yêu sách
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO