Lan tỏa tinh thần tiên phong, nêu gương (kỳ 3): Lựa chọn việc trọng tâm, khâu đột phá

Hoàng Hoài| 26/11/2021 08:48

Lựa chọn giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là một trong những hoạt động được các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng chú trọng thực hiện, góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là nêu gương của người đứng đầu.

Giải quyết vấn đề nổi cộm, bức xúc

Một trong nhưng vấn đề nổi cộm, bức xúc được Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong lựa chọn, tập trung giải quyết đó là công tác quản lý, bảo vệ rừng, gắn với quản lý đất đai, quản lý dân cư. 

Theo đó, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, các TCCS đảng, chính quyền từ huyện đến xã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, UBND huyện tiến hành khảo sát, kiểm tra, thống kê diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép, báo cáo UBND tỉnh, có phương án xử lý và kiên quyết thu hồi diện tích rừng được giao đối với các đơn vị không thực hiện đúng và hiệu quả các dự án đã được phê duyệt.

Qua kiểm tra, Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, các TCCS đảng đã xử lý vi phạm kỷ luật về quản lý rừng đối với 2 tổ chức và 52 cán bộ, đảng viên. Các TCCS đảng xem xét, xử lý 9 cán bộ, đảng viên. Trong đó, thực hiện Kết luận số 840-KL/TU, ngày 8/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến công tác quản lý đất đai và quản lý, bảo vệ rừng dọc quốc lộ 28 đoạn qua xã Đắk Ha, xã Quảng Sơn giai đoạn 2010-2019, Huyện ủy Đắk Glong đã xem xét thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng, 2 cấp ủy viên. Ủy ban kiểm tra Huyện ủy đã xem xét, xử lý kỷ luật 5 cán bộ, đảng viên. 

Nhiều hộ nghèo ở xã Trường Xuân (Đắk Song) được đảng viên hỗ trợ khoa học kỹ thuật, nông cụ để phát triển sản xuất

Trong công tác quản lý đất đai, huyện đã chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật cũng như buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép… Trong 5 năm, huyện đã xử lý vi phạm kỷ luật về quản lý đất đai đối với 18 cán bộ, đảng viên; trong đó khiển trách 17 người, cảnh cáo 1 người theo đúng quy định của pháp luật.

Trong công tác quản lý dân cư, huyện đã thành lập các tổ khảo sát thực tế tiến hành khảo sát về công tác quản lý, sử dụng đất đai gắn với quản lý dân cư tại 7/7 xã. UBND huyện triển khai công tác sắp xếp và ổn định dân cư, ổn định đời sống cho 2.128 hộ với 11.340 nhân khẩu; bố trí lại đất ở, đất sản xuất trên 2.900 ha, bình quân mỗi hộ 0,4 ha đất ở và 1 ha đất sản xuất nông nghiệp.

UBND huyện đã lập Dự án đầu tư phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho đồng bào dân di cư tự do tại các xã Quảng Hòa, Đắk R’măng, nhằm ổn định cho trên 1.260 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông.

Sát cánh cùng đồng bào biên giới

Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh xác định công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm và công tác vận động quần chúng là vấn đề nổi cộm cần tập trung thực hiện. Để việc nắm bắt tình hình, vận động người dân hiệu quả, Đảng bộ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã giới thiệu 7 cán bộ tăng cường xuống 7 xã biên giới.

Các chi bộ, đảng bộ đồn giới thiệu 53 đảng viên sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, bon; 231 đảng viên phụ trách 842 hộ gia đình ở khu vực biên giới; xây dựng 81 tổ với 1.395 thành viên, 9 tập thể với 608 thành viên đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, bon, bản; 33 tổ đăng ký tự quản 87 km đường biên, 31 mốc quốc giới.

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới

Các đơn vị biên phòng còn triển khai 9 mô hình nuôi bò sinh sản, 1 mô hình nuôi dê, 1 mô hình nuôi cá nước ngọt, 1 mô hình nuôi heo; sửa chữa 102 km đường giao thông nông thôn; nhận đỡ đầu 62 cháu, trong đó có 12 cháu của nước bạn Campuchia…

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy chế khu vực biên giới, các hiệp định, hiệp nghị.

Việc làm theo đã rõ ràng, cụ thể

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đăng ký nội dung đột phá hoặc vấn đề nổi cộm, bức xúc để xử lý hiệu quả. Mỗi đơn vị phải xây dựng ít nhất 2 vấn đề.

Trước yêu cầu này, các TCCS đảng đã nghiêm túc thảo luận, lựa chọn các nội dung nổi cộm, được người dân quan tâm tập trung giải quyết. Như Công an tỉnh lựa chọn các nội dung như cải cách hành chính, khiếu kiện lâu dài; tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm kỷ luật.

Huyện ủy Đắk R’lấp xác định nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết nhanh, dứt điểm những tồn đọng kéo dài sớm ổn định tình hình, tạo niềm tin trong dân. Huyện ủy Krông Nô xác định 2 nội dung nổi cộm cần giải quyết là việc tranh chấp giữa 172 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với Công ty TNHH MTV Nam Nung; đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến sạt lở bờ sông, tranh chấp đất của các hộ dân…

Theo đánh giá, từ khi yêu cầu lựa chọn vấn đề nổi cộm để tập trung thực hiện thì việc làm theo Bác đã rõ ràng, cụ thể hơn, hiệu quả hơn và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nhiều cấp ủy đảng xác định được những công việc mang tính đột phá để chỉ đạo thực hiện, có phân định rõ trách nhiệm và thời gian hoàn thành. Đây cũng chính là dịp để cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phát huy vai trò, bản lĩnh, nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ nhằm lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng, cần thiết của việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Cán bộ, đảng viên gương mẫu không chỉ ở nơi công tác mà cả trong gia đình, nơi cư trú, trong từng việc làm, hành động cụ thể.

Đặc biệt, để việc nêu gương trở thành hành động tự giác, thường xuyên của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần lựa chọn việc trọng tâm, khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc rà soát, hoàn thiện và thực hiện hệ thống tiêu chí đạo đức phù hợp để cán bộ, đảng viên đăng ký rèn luyện thường xuyên trong đời sống và công tác cần được chú trọng hơn.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/hoc-va-lam-theo-bac-ho/lan-toa-tinh-than-tien-phong-neu-guong-ky-3-lua-chon-viec-trong-tam-khau-dot-pha-90297.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/hoc-va-lam-theo-bac-ho/lan-toa-tinh-than-tien-phong-neu-guong-ky-3-lua-chon-viec-trong-tam-khau-dot-pha-90297.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lan tỏa tinh thần tiên phong, nêu gương (kỳ 3): Lựa chọn việc trọng tâm, khâu đột phá
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO