Sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành (Luật số 02/2016/QH14, có hiệu lực ngày 1/1/2018), công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, ngành Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh cấp đăng ký cho 63 điểm sinh hoạt; chấp thuận các tổ chức tôn giáo chia, tách, thành lập 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tổng số cơ sở tôn giáo được giao đất trên địa bàn tỉnh hiện nay là 142 cơ sở. Tỉnh cấp phép xây dựng mới 25 công trình tôn giáo.
Các cấp chính quyền còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động như: Noel, Giáng sinh, Phục sinh, Phật đản, Vu lan báo hiếu...
Tỉnh Ðắk Nông hiện có 3 tôn giáo được pháp luật công nhận đang hoạt động gồm: Công giáo, Tin lành và Phật giáo, với gần 270.000 tín đồ; 153 cơ sở tôn giáo; 300 chức sắc; 185 nữ tu, tu sĩ; 979 chức việc. |
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo, tăng ni, phật tử, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào công giáo đã phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Trong đó, có các hoạt động nổi bật như: tổ chức bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, xây nhà tình thương, tặng xe lăn cho người khuyết tật, tặng quà cho người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ nhu yếu phẩm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…, với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh nhân dịp Lễ Noel |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước tại một số cơ sở còn hạn chế; một số hoạt động tôn giáo chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Một số nơi vẫn còn diễn ra những hoạt động vi phạm pháp luật như: xây nhà với mục đích hoạt động tôn giáo nhưng không xin phép chính quyền; hoạt động của nhiều “đạo lạ” trái quy định.
Một số tôn giáo đã để xảy ra những vi phạm trong việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình làm cơ sở tôn giáo mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng địa phương...
Trước những vấn đề này, Đắk Nông đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân, tín đồ các tôn giáo nắm rõ và thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan.
Chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo; tăng cường củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, lan tỏa, động viên quần chúng tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương.
Tỉnh quan tâm giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, chính quyền các cấp quan tâm xây dựng tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo và nghiệp vụ tôn giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tạo điều kiện về mọi mặt để đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo hoạt động, tham mưu ngày càng tốt hơn cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.