Pháp luật

Lâm tặc rải đinh bẫy lực lượng bảo vệ rừng

Lê Phước 08/05/2023 05:00

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) liên tiếp bị các đối tượng phá rừng gài bẫy bằng đinh, hủy hoại lán trại. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đêm 1/5, Trạm QLBVR số 1, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn tổ chức tuần tra tại khoảnh 2, tiểu khu 1644. Thời điểm này, các nhân viên QLBVR phát hiện 1 nhóm đối tượng đang cắt khúc, gom dọn cây rừng bị cưa hạ trước đó.

Tổ tuần tra tiến hành áp sát nhằm phục bắt đối tượng. Nhưng quá trình này, các nhân viên QLBVR đã đạp phải bẫy tự chế của các đối tượng cài trước đó. Lợi dụng điều này, nhóm đối tượng hô hoán nhau bỏ chạy vào rừng.

a-chay-mau-1-.jpg
Đinh đâm xuyên qua giày, làm chảy máu chân của một nhân viên QLBVR

Trong tổ tuần tra, có 1 nhân viên QLBVR dẫm phải bẫy đinh. Mặc dù nhân viên này có đi dày chuyên dụng cho lực lượng QLBVR, nhưng đinh vẫn xuyên vào lòng bàn chân, làm chảy máu.

Mở rộng kiểm tra xung quanh khoảnh 2, tiểu khu 1644, Trạm QLBVR phát hiện thêm nhiều bẫy được làm bằng đinh do lâm tặc cài cắm.

Các bẫy này được mài sắc nhọn, chôn ở các tuyến đường tuần tra. Khi lực lượng QLBVR qua lại, người và phương tiện rất dễ vấp phải các bẫy đinh này.

a-bay-dinh-1-.jpg
Nhiều bẫy đinh được lâm tặc tạo ra để gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng QLBVR

Theo lãnh đạo Công ty Quảng Sơn, khu vực tiểu khu 1644 trước đây được giao cho HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Hợp Tiến thực hiện dự án nông, lâm nghiệp. Sau khi dự án thất bại, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi, giao lại cho Công ty quản lý.

Từ khi nhận bàn giao thực địa (tháng 8/2022) tới nay, khu vực này không xảy ra phá rừng rầm rộ như trước. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng dọn dẹp cây rừng đã phá trước để chiếm đất. Một số khu rừng nằm giáp ranh với đất người dân lấn chiếm vẫn xảy ra hiện tượng cắt cây, phá tỉa rừng.

Trước đó, Công ty Quảng Sơn đã tăng cường tuần tra, giám sát các khu vực “điểm nóng” trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 30/4. Đơn vị đã dựng 2 chốt tuần tra lưu động tại tiểu khu 1660 và tiểu khu 1661 và cắt cử lực lượng QLBVR trực thường xuyên.

a-dot-chot-1-.jpg
Một chốt lưu động QLBVR bị đốt cháy

Ngày 29/4, lợi dụng lúc lực lượng QLBVR đi tuần tra, một số đối tượng đã tiến hành phá chốt. Có 1 chốt bị rạch lều bạt và 1 chốt bị đốt phá.

Đây là những vụ chống phá lực lượng QLBVR được Công ty Quảng Sơn liên tiếp phát hiện thời gian qua. Đáng lưu ý, các vụ việc này có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Các đối tượng ngày càng manh động, có tổ chức và liều lĩnh hơn.

a-rach-bat-1-.jpg
Bạt của chốt lưu động QLBVR bị phá hoại bằng các vết rạch

Ít năm nay, lâm phần của Công ty Quảng Sơn là một trong số những “điểm nóng” của Đắk Nông về công tác QLBVR. Chỉ trong ít tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 50 vụ vi phạm được phát hiện. Trong đó, chủ yếu là các vụ phá rừng (13 vụ làm thiệt hại hơn 2ha) và chiếm đất lâm nghiệp (21 vụ, chiếm 11,3ha).

a-rung-1-.jpg
Rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm nham nhở tại lâm phần của Công ty Quảng Sơn

Theo ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Công ty Quảng Sơn, thời gian qua, áp lực lên công tác QLBVR của đơn vị ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc giá trị đất lên cao, người dân lợi dụng phá rừng để chiếm đất.

Các đối tượng sẵn sàng gây thương tích, hủy hoại tài sản của Công ty Quảng Sơn. Trong khi đó, chức năng và quyền hạn của lực lượng QLBVR còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc phát hiện và ngăn chặn nên không có tính răn đe.

Các vụ việc gần đây ngày càng manh động, liều lĩnh. Công ty đã kiến nghị Sở NN-PTNT, UBND huyện Đắk Glong và các cơ quan công an, kiểm lâm hỗ trợ.

"Rất mong lực lượng chức năng sớm vào cuộc, xử lý các vụ việc đúng quy định. Có như vậy, tính mạng, tài sản của công ty mới bảo đảm an toàn và lực lượng QLBVR mới yên tâm hơn khi thực thi công vụ”, ông Nam cho hay.

a-va-xe-1-.jpg
Xe máy dính bẫy đinh bị thủng lốp, nhân viên QLBVR phải mang theo đồ nghề để tự vá
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lâm tặc rải đinh bẫy lực lượng bảo vệ rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO