Toàn quyền Australia David Hurley. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 3/4, Toàn quyền Australia David Hurley bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Nhân dịp này, Tiến sỹ Suiwah Leung, Phó Giáo sư danh dự Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia, đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về sự kiện quan trọng và ý nghĩa này.
Tiến sỹ Suiwah Leung từng được nhận Huân chương danh dự do Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng vì có những góp tích cực không ngừng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Australia cũng như hỗ trợ sự phát triển của hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Suiwah Leung, chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền Australia David Hurley tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, về mặt chính thức, nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tuy nhiên, điều quan trọng là các mối quan hệ ở cấp chính phủ/ngoại giao thường được củng cố bởi các mối quan hệ ở các cấp khác. Trong trường hợp của Việt Nam và Australia, quan hệ về học thuật giữa hai nước đã và vẫn đóng vai trò rất quan trọng.
Tiến sỹ Suiwah nhớ lại, vào cuối những năm 1970 và 1980 (sau khi Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và Việt Nam thống nhất năm 1975), một số giáo sư của trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã đến thăm Việt Nam, nghiên cứu và viết về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ học của Việt Nam.
Tiêu biểu trong danh sách này là các Giáo sư David Marr, Ben Kerkvliet và Esther Ungar (sau này làm việc tại Đại học Tây Australia).
Kết quả của những mối quan hệ ban đầu này, khi công cuộc Đổi mới của Việt Nam diễn ra vào cuối những năm 1980, là khoảng hơn một chục học giả tài năng của Việt Nam đã được chọn đến ANU để thực hiện các nghiên cứu về kinh tế thị trường.
Cụ thể, họ đã theo học khóa học Tiến sỹ kéo dài 5 năm dưới sự hướng dẫn của Tiến sỹ Suiwah Leung về kinh tế phát triển tại ANU với chi phí do Cơ quan viện trợ Australia (AusAlD), hiện là một phần của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), tài trợ.
Sau khi học xong, họ trở về nước đảm nhận các vị trí tương ứng trong Chính phủ, các học viện và các trường đại học của Việt Nam, đảm đương những trọng trách lớn trong việc thực hiện các giai đoạn khác nhau của các dự án kinh tế giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trong vòng khoảng 20 năm, đồng thời tham gia tích cực vào các tổ chức khu vực và quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trên thực tế, học bổng do chính phủ Australia tài trợ cho khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng thường được coi là một trong những hình thức hỗ trợ phát triển hiệu quả nhất.
Theo đánh giá của Tiến sỹ Suiwah Leung, tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Xuất khẩu của Australia sang Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 12% kể từ năm 2013, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu các dịch vụ giáo dục của Australia đã thu hút hơn 26.000 sinh viên Việt Nam sang Australia học tập năm 2019.
Những sinh viên này được tài trợ dưới nhiều hình thức, từ học bổng của chính phủ Australia và Việt Nam đến các hoạt động tài trợ của tư nhân. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng cải thiện xuất khẩu các dịch vụ khác như du lịch và công nghệ thông tin, cũng như đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam từ phía khu vực doanh nghiệp Australia.
Ở chiều ngược lại, các chương trình như “Kế hoạch Colombo mới” đã tạo điều kiện cho hơn 4.500 sinh viên đại học từ các trường đại học của Australia dành thời gian ở Việt Nam để tìm hiểu về con người, văn hóa, ngôn ngữ và cách thức kinh doanh, qua đó kịp thời tăng cường các mối quan hệ kinh doanh và dòng vốn đầu tư.
Tiến sỹ Suiwah nhận định rằng việc thành lập Trung tâm Việt Nam-Australia gần đây tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội rất được hoan nghênh, cho thấy mức độ thiện chí và tin cậy đã phát triển giữa hai nước.
Bà bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền Australia David Hurley tới Việt Nam sẽ làm sâu sắc thêm thiện chí và sự tin cậy này vì lợi ích chung của cả hai nước.