Theo dữ liệu sơ bộ công bố ngày 31/1, lạm phát đã giảm ở 6 bang quan trọng về kinh tế của Đức trong tháng 1, cho thấy lạm phát ở quốc gia này đang tiếp tục quỹ đạo đi xuống, đồng thời làm tăng hy vọng về đà giảm lạm phát ở khu vực đồng euro.
Theo đó, tỷ lệ lạm phát ở North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất nước Đức, đã giảm từ mức 3,5% trong tháng 12/2023 xuống 3,0% trong tháng 1/2024.
Ở bang Bavaria, tỷ lệ này giảm từ 3,4% trong tháng trước xuống 2,9% trong tháng 1, trong khi số liệu ở Brandenburg là giảm từ 4,5% xuống 3,7%, ở bang Saxony từ 4,3% xuống 3,5%, ở Baden-Wuerttemberg từ 3,8% xuống 3,2%, và ở Hesse giảm từ mức 3,5% của tháng trước xuống 2,2% trong tháng này.
Nguyên nhân khiến lạm phát giảm ở các bang lớn của Đức bắt nguồn từ giá năng lượng rẻ hơn, bù đắp cho việc chấm dứt một số biện pháp chính sách hỗ trợ trong thời kỳ chống khủng hoảng năng lượng, vốn đã đẩy lạm phát lên cao.
Theo các nhà kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank, việc chấm dứt việc hỗ trợ giảm giá năng lượng, tăng thuế suất VAT từ 7% lên 19% đối với khí đốt sưởi ấm cũng như giá thực phẩm tại các nhà hàng, đồng thời nâng giá tín chỉ carbon quốc gia từ 30 euro mỗi tấn lên 45 euro/tấn có thể góp thêm 0,6 điểm phần trăm vào số liệu lạm phát quốc gia của Đức trong tháng 1.
Dự kiến Đức và Pháp sẽ lần lượt công bố số liệu lạm phát quốc gia, trước khi dữ liệu lạm phát khu vực đồng euro được công bố vào ngày 1/2.
Nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Joachim Nagel cho biết, các nước châu Âu đã “thuần hóa” được lạm phát phi mã.
ECB đã tăng lãi suất nhiều nhất trong lịch sử đồng euro để đưa lạm phát giảm xuống dưới mức 2 con số, và ngân hàng này dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí cho vay vào mùa xuân tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát khu vực đồng euro dự báo sẽ giảm từ mức 2,9% của tháng trước xuống 2,8% trong tháng 1/2024.