Làm gì để sầu riêng đậu trái trong thời tiết bất thuận ?
Thời tiết cực đoan đã làm cho nhiều vườn sầu riêng ở Đắk Nông rụng trái non rất nhiều. Vì vậy, việc chăm sóc sầu riêng đúng kỹ thuật trong giai này sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng cho cả mùa vụ.
Tỉnh Đắk Nông có hơn 6.000 ha sầu riêng. Cây trồng này đã giúp nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập cao. Do đó, nhiều nhà vườn đã tập trung đầu tư thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng cho vườn sầu riêng.
Gia đình ông Lầu A Ửng ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) trồng trên 1.000 cây sầu riêng. Cũng như nhiều hộ dân khác, ông đã túc trực ngày đêm ngoài vườn để chăm sóc, theo dõi từ đọt lá, mầm hoa, chăm sóc sầu riêng kỹ lưỡng .
Tuy nhiên, trong giai đoạn cây ra lá non, phân hóa mầm hoa thì thời tiết chuyển sang bất lợi. Điều này đã khiến cho vườn cây bị chết cành, rụng trái hàng loạt.
Ông Ửng cho biết: “Chăm sóc sầu riêng không khó mà giữ cho trái không bị rụng mới khó. Vì cây sầu riêng rất mẫn cảm với thời tiết. Chỉ cần một biểu hiện nhỏ của thời tiết cũng tác động đến vườn sầu riêng”.
Hiện vườn sầu riêng của ông Ửng đã bị rụng trái khá nhiều. Gia đình ông đang tập trung chăm sóc để giữ lại lượng trái còn lại trên cây.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Chủ trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), ngay sau khi thu hoạch sầu riêng, bà con cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để cây lấy lại sức.
Tùy theo loại đất để bà con bón phân phù hợp cho sầu riêng. Bà con cần ưu tiên bón phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ đối với sầu riêng.
Cũng theo ông Trung, trong giai đoạn sầu riêng ra hoa, đậu trái, cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, để tăng sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống trái sau này.
Do đó, bà con phải tăng cường trung lượng, vi lượng cho vườn sầu riêng đúng thời kỳ. Bà con phải có biện pháp ngăn ngừa vi sinh vật gây hại xâm nhập vào vườn sầu riêng để không làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành trái.
Ông Trung cho hay: “Để sầu riêng chống chịu với thời tiết, người trồng phải chăm sóc khi cây chưa ra hoa. Khi cây đầy đủ dưỡng chất dù gặp thời tiết bất thuận thì vẫn đủ sức vượt qua và hạn chế rụng trái”.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Kỹ thuật – Huấn Luyện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn sầu riêng nuôi trái, bà con nên áp dụng một số kỹ thuật chăm sóc.
Trong đó, bà con nên tỉa những chùm trái nhỏ, ra không đúng vị trí, chỉ để những chùm trái khỏe, cách thân chính khoảng 50 cm. Điều này giúp cây bảo đảm nuôi trái tốt hơn.
Trong giai đoạn sầu riêng hình thành trái non, bà con cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh hại và áp dụng các giải pháp bón phân cân đối cho cây.
“Trong giai đoạn này, bà con cần bổ sung cho sầu riêng các dòng phân bón có hàm lượng bo, canxi cao. Nó sẽ giúp sầu riêng cho cuống giai, hạn chế rụng trái”, bà Thảo cho biết.
Cũng theo bà Thảo, để sầu riêng cho sản phẩm tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà con cần đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây.
Sầu riêng cần được chăm sóc theo các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp tốt. Cách chăm sóc này vừa góp phần cải thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và canh tác bền vững.