Y tế - Sức khỏe

Làm gì để phòng, chống sốt xuất huyết ?

Ngô Đồng 19/07/2024 11:00

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết thể Dengue (SXHD) diễn biến phức tạp, khó lường, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở của Đắk Nông vào cuộc phòng, chống dịch, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Nâng cao tính dự báo

Không riêng gì các tỉnh Tây Nguyên, SXHD hiện đang là vấn đề y tế công cộng rất đáng quan tâm của cả nước với số ca mắc SXHD hàng năm từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn trường hợp, thật sự là gánh nặng cho hệ thống y tế và cả nền kinh tế. Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống SXHD nhưng do sự biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa gia tăng nên tình hình SXHD hàng năm luôn diễn biến phức tạp và dự báo tiếp tục gia tăng...

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, đến nay, các biện pháp phòng chống SXHD vẫn là thách thức trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó khó khăn nhất là vấn đề dự báo dịch. Việc khó khăn trong công tác dự báo dịch đã làm hạn chế việc thực hiện phòng dịch SXHD một cách chủ động ở tuyến cộng đồng. Vì vậy, việc tìm ra mô hình dự báo sớm dịch SXHD để từ đó tăng cường các hoạt động phòng, chống, chủ động đẩy lùi dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân là vấn đề đang được Bộ Y tế quan tâm xúc tiến.

Ở góc độ địa phương, trước diễn biến dịch SXHD hàng năm luôn phức tạp, khó lường, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông luôn xác định phải nâng cao tính dự báo, bằng sự phân tích các yếu tố liên quan để đưa ra dự báo một cách khá chính xác về tình hình dịch SXHD trong tương lai gần. Thông qua dự báo, tỉnh, ngành Y tế có thể quản lý hiệu quả, ưu tiên nguồn lực trong dài hạn cho công tác phòng, chống dịch và kiểm soát được dịch SXHD. Cụ thể, ngay từ cuối năm 2023, sau khi phân tích các yếu tố liên quan, ngành Y tế đã dự báo trong năm 2024 nguy cơ dịch SXHD bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Điều này đã thành sự thật.

Tăng cường chỉ đạo

Trong 3 năm gần đây, cùng với kịp thời ban hành kế hoạch, phương án, UBND tỉnh luôn có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, UBND các huyện, thành phố, cơ quan truyền thông theo lĩnh vực được phân công khẩn trương, tích cực vào cuộc phòng, chống SXHD. Bên cạnh đôn đốc các hoạt động chuyên môn, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, TP. Gia Nghĩa phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để tình hình dịch bệnh SXHD trên địa bàn quản lý bùng phát mạnh và kéo dài.

_dsc5808(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh kiểm tra thực tế tại các ổ dịch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: Với quan điểm “phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở”, lâu nay, tỉnh luôn chỉ đạo các cấp, các ngành phải tăng cường thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXHD nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Thực hiện chỉ đạo chung, chính quyền, cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến các địa phương đã vào cuộc, triển khai các giải pháp, biện pháp để có thể nhanh chóng khống chế, kiểm soát được dịch SXHD. Mặc dù vậy, việc ngăn chặn, khống chế dịch SXHD vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa vì chỉ cần sơ sẩy, lơ là, chủ quan là dịch bùng phát mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh, qua đi kiểm tra thực tế các ổ dịch cho thấy, ở nhiều nơi địa phương, người dân vẫn còn lơ là, chủ quan với SXHD. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến SXHD lan rộng và khó kiểm soát, khiến cho y tế thêm gánh nặng. Vì vậy, người dân cần phải hiểu rõ mối nguy hiểm của dịch SXHD, qua đó tuân thủ nghiêm túc các quy định, biện pháp phòng dịch.

"Trong bối cảnh dịch SXHD diễn biến phức tạp, khó lường, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn tiếp tục chuẩn bị các biện pháp cần thiết để tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân không những nâng cao ý thức, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch mà cần tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch ngay tại chính thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố của mình", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Chủ động vào cuộc

Ngay khi triển khai nhiệm vụ năm 2024, ngành Y tế tỉnh đã khẳng định, đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là thời điểm tiếp tục thực hiện nhằm phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội sau khi toàn tỉnh trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế là chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra và lan rộng trên địa bàn tỉnh.

_dsc5603.jpg
Người dân chủ động đến trạm y tế gần nhất khi có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn... để được thăm khám và tư vấn kịp thời

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra là vậy nhưng rõ ràng ngành Y tế tỉnh đang gặp không ít thách thức khi phải đối phó với dịch SXHD hoành hành tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do có dự báo từ trước nên ngành Y tế đã có những sự chuẩn bị cần thiết về giải pháp, phương án để có thể vào cuộc phòng, chống dịch SXHD một cách hiệu quả".

Đặc biệt, khi dịch bùng phát mạnh, cùng với ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Sở Y tế thường xuyên, liên tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường theo dõi tình hình dịch bệnh SXHD trên địa bàn, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, xử lý ổ dịch ngay sau khi phát hiện.

_dsc6228.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đã có buổi làm việc với huyện Đắk R'lấp về công tác phòng chống dịch SXHD

Chất lượng hệ thống giám sát từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở được nâng cao để có thể cập nhật, báo cáo kịp thời về tình hình, xu hướng bệnh SXHD. Các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống SXH được tổ chức tại các tuyến nhằm đôn đốc, đánh giá và định hướng các phương án phòng, chống phù hợp, hiệu quả. Sở cũng tập trung mua sắm, đấu thầu các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiêu diệt nguồn gây bệnh ngay từ gốc

Là đơn vị được xem là tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Đắk Nông luôn chủ động tham mưu UBND tỉnh, Sở Y tế ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo tuyến cơ sở trong công tác phòng chống SXHD. Đơn vị nhanh chóng triển khai các hoạt động chuyên môn cần thiết để sớm ngăn chặn dịch.

_dsc9112.jpg
CDC hỗ trợ y tế tuyến dưới trong công tác phun hoá chất diệt muỗi

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc CDC Đắk Nông thông tin, SXHD là vấn đề y tế công cộng, bệnh lưu hành ở nhiều tỉnh, thành phố. Bệnh thường có tính chất chu kỳ bùng phát 4-5 năm/lần. Dự báo trước nguy cơ, ngay từ đầu năm, trung tâm đã chủ động triển khai các hoạt động giám sát hỗ trợ về chuyên môn trong công tác phòng, chống SXHD tại tuyến cơ sở. Cùng với tổ chức các đợt điều tra giám sát véc tơ tại khu vực ổ dịch cũ, trung tâm còn tập trung giám sát hỗ trợ trong các đợt triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt loăng quăng và phun hóa chất chủ động xử lý ổ dịch.

Khi có ổ dịch xuất hiện, lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn đã tăng cường các biện pháp giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để nhanh chóng khống chế, ngăn ngừa dịch lan rộng. Một điều phải khẳng định, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh SXHD và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh là chủ yếu. Vì vậy, chính sự đồng lòng, trách nhiệm của người dân trong vùng dịch mới bảo đảm cho các biện pháp đưa ra được thực hiện đạt kết quả cao nhất.

SXH 14
TP. Gia Nghĩa tiến hành phun hoá chất diệt muỗi trên diện rộng

Hiện nay, tình hình dịch SXHD trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang gia tăng cả về số lượng và phạm vi, vì vẫn còn phát hiện ổ loăng quăng tại các hộ gia đình trong ổ dịch, chỉ số vượt ngưỡng cảnh báo. Thời tiết trên địa bàn tỉnh mưa, nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Vì vậy, để ngăn chặn dịch hiệu quả, bên cạnh các hoạt động chuyên môn khác thì quan trọng nhất là phải tiếp tục ra quân tổng vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các ổ loăng quăng, tiêu diệt nguồn gây bệnh ngay từ gốc.

Mầm họa hiện hữu

Trong số gần 2000 ca mắc SXHD, Đắk Nông đã ghi nhận 1 ca tử vong là anh T.V.H nghi do mắc SXHD tại huyện Đắk R’lấp vào ngày 29/6/2024.

Qua điều tra dịch tễ cho thấy, vào ngày 23/6, bệnh nhân H bị sốt cao, đau cơ toàn thân, có đến khám bệnh, xét nghiệm tại phòng khám tư nhân trên địa bàn, sau đó vào chiều 24/6 mới đến Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp và ngày 25/6 chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, đến sáng 29/6 thì tử vong. Bệnh nhân chưa mắc SXHD lần nào và khi tử vong với chẩn đoán là SXHD có dấu hiệu cảnh báo/cơn đau thắt ngực/toan chuyển hóa/viêm phổi do vi khuẩn khác.

Ông Nguyễn Xuân Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp cho biết: Từ thực tế ca tử vong nói trên, điều đáng quan tâm đó là mầm họa luôn hiện hữu trong cộng đồng. Bởi vì, trong vòng 20 ngày, gia đình bệnh nhân H không có người nào sốt, nhưng trong bán kính 200m cách nhà bệnh nhân H đã ghi nhậ 1 bệnh nhân mắc SXHD. Nhà bệnh nhân H ở khu vực đông dân cư, chủ yếu cây cối rậm rạp và trên địa bàn đã ghi nhận 2 ca mắc SXH. Từ đó cho thấy, nguy cơ xảy ra dịch SXHD rất khó lường, nhưng việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng chưa được người dân thực hiện triệt để và thường xuyên, liên tục.

Điều trị kịp thời

Tỷ lệ thuận với việc tăng số ca mắc thì số ca bệnh SXHD nhập viện cũng tăng cao. Theo thống kê, tính đến ngày 15/7/2024, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 8 trung tâm y tế huyện, thành phố đã có 1.860 ca mắc SXHD nhập viện và điều trị; trong đó 8 ca bị nặng.

dsc02632.jpg
Bệnh viên Đa khoa tỉnh quá tải trong công tác điều trị bệnh nhân mắc SXHD

Bác sĩ Cao Thị Tài, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thông tin, một số bệnh nhân mắc SXHD nhập viện khi tình trạng đã nặng như sốt cao, bị sốc, suy hô hấp, có những ca tổn thương đa cơ quan. Điều này cho thấy, nhiều bệnh nhân đã chủ quan không đi khám mà tự điều trị tại nhà, dẫn đến bệnh chuyển biến nặng. SXHD xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, bệnh mức độ nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu được theo dõi sức khỏe thường xuyên, nhận biết được các dấu hiệu và đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế thì sẽ được kiểm tra và điều trị kịp thời.

dsc02634.jpg
Biểu hiện mệt mỏi của bệnh nhân khi mắc SXHD

Đây cũng là lý giải cho việc mặc dù số ca mắc SXHD và nhập viện tăng cao nhưng số ca được điều trị khỏi và xuất viện cũng rất nhiều. Thống kê cho thấy, trong số 1.650 ca mắc SXH Dengue nhập viện nói trên đã có đến 1.408 ca điều trị khỏi và xuất viện.

Người dân phải có trách nhiệm chung sức

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã đồng loạt triển khai hoạt động diệt loăng quăng tại khu vực có ca bệnh hoặc ổ dịch và hàng ngày thực hiện phát thanh tuyên truyền các thông điệp, tạo sự lan tỏa và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống SXHD.

_dsc0352.jpg
Đội ngũ cộng tác viên chung sức trong công tác phòng chống dịch SXH

Theo bà Lê Thị Lân, phường Nghĩa Trung, TP.Gia Nghĩa, bà là người đầu tiên trong gia đình mắc SXHD nhưng do không đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời dẫn đến lây lan sang tất cả các thành viên trong gia đình và một số bà con trong xóm. Qua thực tế của gia đình, bà thật sự thấm thía và đã có ý thức hơn trong việc tham gia công tác phòng, chống dịch SXHD ở cộng đồng.

_dsc0569(1).jpg
Cán bộ y tế tới tận nhà tuyên truyền phòng chống SXH cho bà con

Bà Lê Thị Lân cho biết: Tôi nhận thấy chính quyền, y tế địa phương ra quân rất quyết liệt, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động các hộ gia đình và cộng đồng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng. Tất cả các hoạt động nói trên đều nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, cộng đồng thì chính bà con phải có trách nhiệm chung sức. Theo khuyến cáo, bà con chỉ cần tuân thủ các biện pháp, nhất là cố gắng hơn nữa trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, không để loăng quăng phát sinh thì không có muỗi truyền bệnh.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm gì để phòng, chống sốt xuất huyết ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO