Làm gì để doanh nghiệp trẻ Đắk Nông hết "khát" vốn?
Nhiều doanh nghiệp trẻ ở Đắk Nông vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Vì thế, họ cần cơ chế thông thoáng hơn để tiếp cận nguồn vốn.
Thời gian qua, Chính phủ, địa phương đã ban hành nhiều gói hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó tiếp cận nếu không có tài sản để thế chấp, hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh…
Trong bối cảnh này, nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, vay vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh.
Thực tế, trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn, cần có những sản phẩm cho vay cải tiến hơn. Trong đó, ngân hàng cần có những khoản vay không cần bảo đảm tài sản mà thay vào đó là hàng hóa, dựa trên báo cáo tài chính. Dòng luân chuyển của tiền mặt là các khoản phải thu, hàng hóa luân chuyển kinh doanh.
Hiện nay, cánh cửa cho vay vốn tín chấp đối với doanh nghiệp nhỏ ngày càng hẹp. Do vậy, doanh nghiệp cần một nền tảng kết nối những giải pháp tài chính toàn diện, giúp kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn hơn là điều rất cần thiết.
Trong nền kinh tế phát triển, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng ngân hàng là yếu tố quan trọng để vận hành việc kinh doanh hàng ngày. Đây cũng là nguồn lực tiếp sức cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, tăng trưởng. Nền kinh tế sẽ nhộn nhịp hơn khi có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với đa số doanh nhân trẻ, khi cần huy động vốn để mở rộng sản xuất, rất ít người có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Đôi lúc, doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, ý tưởng hay, nhưng không có vốn hoặc vốn không tiếp cận được thì ý tưởng cũng không thực hiện được.
Để biến ý tưởng thành sự thật, nhiều doanh nghiệp tự xoay xở bằng cách vay tiền từ người thân, quan hệ đối tác để tạo được nguồn vốn phát triển sản xuất. Nhiều doanh nghiệp dựa vào uy tín cá nhân để vay, hỗ trợ công ty hoạt động.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh nào đó, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Còn doanh nghiệp muốn phát triển dài hơn vẫn rất cần chính sách, gói vay dài hạn từ các tổ chức tín dụng. Một khi nguồn vốn ngân hàng được tiếp cận thông thoáng hơn nhờ tháo gỡ các vướng mắc, số doanh nghiệp được thành lập, hoạt động sẽ tăng. Khi đó, nền kinh tế mới lưu thông, hết điểm nghẽn.
Thông qua Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2025”, hàng năm, Sở KH-CN đã lựa chọn và triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Hoạt động này đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này vẫn còn rất nhỏ so với yêu cầu khởi nghiệp của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thị trường, nguồn vốn, cơ sở vật chất... Trong đó, họ cần được hỗ trợ đặc biệt về nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, nguồn quỹ khuyến công quốc gia và địa phương đều bố trí nguồn vốn nhất định để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Nguồn vốn này được các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ của tỉnh rất quan tâm. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Đắk Nông) đã triển khai hỗ trợ vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp. Nguồn vốn hỗ trợ này vẫn còn ít và các ngân hàng cần dành thêm cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp trẻ.
Trong thời gian qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn vị ký kết với Tỉnh đoàn Đắk Nông chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; chương trình cho vay doanh nghiệp nữ khởi nghiệp…
Từ tháng 7/2023, BIDV Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023. Đây là điều kiện thuận lợi để BIDV Chi nhánh Đắk Nông bảo đảm cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.
Về phía BIDV chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong năm 2023, BIDV đã nhiều lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đơn vị ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
BIDV chủ động số hóa nhằm tinh gọn quy trình, thủ tục cho vay. Từ quy trình tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến phê duyệt, giải ngân vốn cho doanh nghiệp đều được số hóa, nhằm đơn giản hóa mọi thủ tục cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.
Nhiều quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, với cơ chế đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý được BIDV xây dựng. BIDV cũng ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề với quy trình rút gọn, phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng.
Từ năm 2023 đến nay, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp. Đi cùng với đó là giải pháp hỗ trợ hiệu quả như: tối ưu hóa thủ tục, giảm lãi suất, giảm phí...
Điển hình như các gói hỗ trợ “Chung tay chia sẻ - Vững tâm kinh doanh”, “Nguồn vốn kịp thời - Kinh doanh khởi sáng”, “Khơi thông nguồn vốn - Đồng hành phát triển”…
Cùng với lãi suất ưu đãi hấp dẫn, khách hàng doanh nghiệp tham gia gói tín dụng của HD Bank còn được vay với hạn mức cao dựa trên tài sản bảo đảm đa dạng. Thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh chóng.
Mới đây nhất, hệ thống HD Bank vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 7,5 – 8%/năm. Đây là gói vay dành cho cộng đồng doanh nghiệp trước đợt cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Với gói tín dụng bổ sung này, HD Bank tiếp tục góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước nói chung, tại Đắk Nông nói riêng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Nội dung: Nguyễn Lương (bài viết có sử dụng một số ảnh tư liệu)
Trình bày: TD - NH