Kinh tế

Làm gì để cây bơ Đắk Nông không bị ngó lơ?

Lê Dung 11/09/2023 05:00

Đắk Nông có tiềm năng lớn về phát triển cây bơ. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức về thị trường, tỉnh cần những giải pháp mang tính bền vững cho cây trồng này.

Thị trường ảm đạm

Bơ là một trong những loại cây trồng tiềm năng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây bơ lại đang mất dần vị thế do gặp khó về thị trường tiêu thụ.

img_0650(1).jpg
Diện tích, sản lượng bơ của Đắk Nông lớn, nhưng giá bán năm qua lại rất thấp

Theo TS. Hoàng Mạnh Cường, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, mặc dù phát triển mạnh về diện tích, sản lượng, nhưng hiện nay, giá trị cây bơ mang lại cho Đắk Nông chưa cao.

Cây bơ của Đắk Nông chủ yếu được trồng xen; trồng nhiều loại giống trên cùng đơn vị diện tích. Vì vậy, việc tập trung hình thành vùng sản xuất, cung cấp hàng hóa với số lượng lớn rất khó khăn.

Ở Tây Nguyên cũng như Đắk Nông vẫn chưa hình thành được các vùng sản xuất bơ chuyên canh theo từng loại giống để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho hay, sản lượng bơ của Đắk Nông hiện đang rất lớn. Trong khi thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước và ở dạng quả tươi.

o-yen-pho-chu-tich-1-.png
Ảnh: L.D

Khi sản lượng gia tăng mạnh, thị trường nội địa không hấp thụ hết, dẫn đến sản phẩm dư thừa. Trong khi đó, công nghệ bảo quản và chế biến sâu tại địa phương chưa được đầu tư, nên chưa khai thác được giá trị của quả bơ, giá bán ra rất thấp hoặc không thể bán được.

Vực dậy vị thế

Để vực lại vị thế cho cây bơ, Đắk Nông đang nghiên cứu tìm ra các giải pháp hữu hiệu, mang tính bền vững nhất.

img_2976(1).jpg
Bơ được canh tác tập trung sẽ thuận lợi hơn khi ra thị trường thế giới

Theo ông Trần Hữu Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty VITAD Việt Nam, do trồng xen, nên các vấn đề về tính ổn định cũng như các hoạt chất của cây bơ sẽ bị phân tán, không được đồng đều. Vì vậy, bà con nên trồng thuần cây bơ, đối tác thu mua mới bảo đảm chất lượng và đầu ra mang tính bền vững.

Hiện nay, nhu cầu về bơ Hass trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Trong đó, tập trung ở một số nước như: EU, Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Giá của giống bơ này khá cao, từ 150.000-200.000 đồng/kg.

“Vì vậy, giống tốt đầu vào, công nghệ quy trình và bao tiêu sản phẩm, có chứng nhận chính là các giải pháp gốc giúp cây bơ Đắk Nông xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị cao”, ông Tuyên chia sẻ.

Theo chủ trương chung, Việt Nam đang tập trung phát triển vào 14 loại cây trồng chiến lược. Trong đó, khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng có 5 loại cây: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây và bơ.

TS. Hoàng Mạnh Cường, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho hay, để bơ xuất khẩu được, chính quyền phải có giải pháp hợp tác được với đối tác nước ngoài. Đặc biệt là phía Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu tiếp cận được những thị trường này thì không khó khăn gì trong khâu trồng trọt, tiêu thụ.

img_1711(1).jpg
Bơ Hass đang có nhu cầu và giá bán cao trên thị trường

Về phía người sản xuất cũng đang dần có những giải pháp nâng cao giá trị cho cây trồng tiềm năng này. Cụ thể như, HTX Nông nghiệp Trường Sinh (Đắk R’lấp) hiện đang chăm sóc 10ha bơ 034 theo hướng VietGAP. Để nâng giá trị cho quả bơ, HTX áp dụng biện pháp cho cây ra hoa sớm vụ.

Theo ông Đoàn Văn Trường, Giám đốc HTX, nếu quả bơ bán vào khoảng tháng 2 hàng năm sẽ được giá rất cao, từ 40.000-50.000 đồng/kg. Còn nếu vào chính vụ, giá rớt thê thảm, chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Vì vậy, cùng với giải pháp canh tác sớm vụ, HTX mong muốn được liên kết hoặc hỗ trợ về vốn, máy móc để bảo quản, chế biến sâu cho sản phẩm, giúp mang lại lợi ích kinh tế cao cho xã viên.

Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn trong cả nước. Toàn tỉnh có hơn 3.100 ha bơ, năng suất bình quân từ 10 - 15 tấn/ha, chiếm tỷ lệ gần 26,7% tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Làm gì để cây bơ Đắk Nông không bị ngó lơ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO