Lâm Đồng: Trồng nấm đông cô bằng phương pháp trồng khô

Phạm Khải| 25/08/2023 15:03

Ở vùng sâu Tà Hine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) doanh nghiệp Ngọc Bích đang cho ra đời những cây nấm đông cô có giá trị dinh dưỡng cao bằng phương pháp trồng khô.

Nấm đông cô
Nấm đông cô

Nấm đông cô có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đã được trồng ở cả Nhật Bản và Trung Quốc từ thời tiền sử cách đây hơn 1000 năm. Người Trung Quốc gọi là Dong-Gu (phiên âm tiếng Việt thành đông cô), người Nhật gọi Shiitake. Nấm này có tên khoa học là Lentinula Edodes, thuộc họ Pleurotaceae.

Nấm đông cô có dạng như cái ô, đường kính 4-10 cm, màu nâu nhạt, khi chín chuyển thành nâu sậm. Trên mặt nấm có những vảy nhỏ màu trắng. Thịt nấm màu trắng, cuống hình trụ. Nấm mọc ký sinh trên những cây có lá to và thay lá mỗi mùa như dẻ, sồi, phong. Loài thực vật này mọc hoang nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nấm đông cô chứa khá nhiều đạm và đặc biệt giàu khoáng chất, vitamin, chẳng hạn như vitamin C, B, tiền vitamin D, canxi, Niacin, nhôm, sắt, magiê… Nó có khoảng 30 enzym và tất cả các acid amin tối cần cho cơ thể (tức là những acid amin mà cơ thể không tổng hợp được). Nấm cũng có một số alcool hữu cơ mà khi nấu chín, các alcool này biến đổi, tạo thành mùi thơm đặc biệt của nó. Vì Shiitake có chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể nên những người ăn chay nên dùng thường xuyên loại nấm này.

Giờ đây, với những kỹ thuật công nghệ sinh học tiên tiến, tại một số trang trại ở vùng nhiệt đới cũng có thể nuôi trồng nấm đông cô. Đặc biệt hơn, nấm đông cô cũng có thể trồng được quanh năm trong nhà lạnh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó có Việt Nam.

Mô hình trồng nấm đông cô của Công ty TNHH Nấm Ngọc Bích
Mô hình trồng nấm đông cô của Công ty TNHH Nấm Ngọc Bích. Ảnh: Diệp Quỳnh

Báo Lâm Đồng đưa tin, ở vùng sâu Tà Hine, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) doanh nghiệp Ngọc Bích đang cho ra đời những cây nấm đông cô có giá trị dinh dưỡng cao bằng phương pháp trồng khô.

Chị Võ Thị Huỳnh Như - quản lý của doanh nghiệp cho biết: “Công ty TNHH Nấm Ngọc Bích đặt ở thôn B’Liang, xã Tà Hine chuyên sản xuất nấm đông cô. Đức Trọng là vùng sản xuất nấm khá nổi tiếng, với các loại nấm phổ biến như bào ngư, nấm mèo, linh chi… nhưng nấm đông cô thì Công ty Ngọc Bích tự hào là đơn vị áp dụng công nghệ sản xuất lớn, với sản phẩm nấm có chất lượng”.

Chị Huỳnh Như chia sẻ, kỹ thuật sản xuất nấm đông cô của Công ty Ngọc Bích khá lạ. Nấm là loài rất ưa nước, trồng nấm đòi hỏi phải tưới đều đặn mỗi ngày nhưng riêng nấm đông cô của công ty áp dụng kỹ thuật trồng khô. Ngọc Bích trồng nấm đông cô theo kỹ thuật trồng khô, không tưới nước trong suốt quá trình sinh trưởng của nấm. Chị Như cho biết, vụn gỗ, dăm gỗ cao su được công ty mua về, sơ chế, phối trộn dinh dưỡng rồi đóng thành các khúc như khúc gỗ, hấp khử trùng rồi cấy meo. Sau quá trình cấy meo, ủ cho ra sợi, xếp lên các giá sắt cho sợi nấm phát triển, hoàn toàn không tưới nước. Chị Huỳnh Như cung cấp: “Chúng tôi xếp các bịch lên giá và để phát triển tự nhiên, không tưới nước trừ khi trời quá nắng nóng, nhiệt độ cao nhiều ngày. Sau khoảng 60 ngày, công nhân sẽ thực hiện chích nước để nấm nảy chồi”.

Kỹ thuật “chích nước” trên nấm đông cô là dùng một cây kim dài có nhiều lỗ, chích dọc thân bịch phôi để nước ngấm vào bịch từ bên trong. Khi thân bịch ngậm đủ nước, nấm nảy chồi và sau 7 ngày, khi mũ nấm đạt đủ độ lớn, chân nấm nhỏ lại thì được thu hoạch. Đây là kỹ thuật trồng nấm khác hẳn với các loại nấm khác được trồng phổ biến ở Đức Trọng khi hoàn toàn không tưới hàng ngày cho nấm. Sau 15 ngày từ khi thu hoạch đợt 1, công nhân chích nước đợt 2 để tiếp tục thu hoạch. Bịch nấm đông cô được thu hoạch 5-6 lần trong vòng 3 tháng và sau đó, nấm giảm năng suất, công ty loại bỏ để thay vào lứa nấm mới. Một vòng đời nấm từ khi đóng bịch tới khi thu hoạch xong là 6 tháng.

Chị Huỳnh Như cho biết thêm, bịch nấm được bọc bằng vật liệu tự hủy, khi nấm mọc lên sẽ tự xé bịch để chui ra, rất an toàn và bảo vệ môi trường. Và cung cách đóng bịch cũng tương tự như khúc cây khô với những cây nấm mọc chi chít, y hệt điều kiện sống của cây nấm đông cô trong hoang dã.

Hiện, năng suất nấm của Công ty Nấm Ngọc Bích là 500 kg/ngày. Nấm thu mua vừa bán tươi trên thị trường, liên kết cung cấp cho các doanh nghiệp nấm cũng như phơi khô để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Nấm thu hoạch được bảo quản trong kho lạnh với nhiệt độ từ 1-3 độ C, sau đó được vận chuyển tới các đối tác. Còn phơi khô, công ty sử dụng giàn phơi trong nhà kính, đảm bảo cây nấm được phơi trong điều kiện tối ưu, giữ lại nhiều dưỡng chất và màu sắc đẹp nhất.

Theo thuonghieusanpham.vn
https://thuonghieusanpham.vn/chuyen-that-nhu-dua-xa-vung-sau-ta-hine-cho-ra-doi-nam-dong-co-bang-phuong-phap-trong-kho-61706.html
Copy Link
https://thuonghieusanpham.vn/chuyen-that-nhu-dua-xa-vung-sau-ta-hine-cho-ra-doi-nam-dong-co-bang-phuong-phap-trong-kho-61706.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lâm Đồng: Trồng nấm đông cô bằng phương pháp trồng khô
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO