Người chăn nuôi xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng hoang mang, lo lắng khi đàn bò sữa bỏ ăn, suy kiệt và chết hàng loạt. |
Ngày 20/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vaccine viêm da nổi cục.
Tổ công tác do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu làm tổ trưởng. Thành phần tham gia tổ công tác, gồm đại diện Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản; Sở Tài chính, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà… Đáng chú ý, thành phần tham gia tổ công tác có Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) Nguyễn Thị Kim Lan làm tổ phó.
Đàn bò sữa lơ cỏ và sự lo lắng của người chăn nuôi. |
Tổ công tác có trách nhiệm rà soát, thống kê, tính toán, xây dựng dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và phối hợp Công ty Navetco triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò phát bệnh sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục (Navet-Lpvac) tại tỉnh Lâm Đồng theo đúng quy định pháp luật. Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, sau khi làm việc với những cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho rằng, sau khi cơ quan chức năng địa phương công bố và sử dụng phác đồ điều trị; hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh cho bò sữa, số lượng bò hồi phục có chiều hướng tăng lên, số bò bị chết giảm mạnh. Tuy nhiên, ở các địa phương còn xảy ra hiện tượng bò tái phát bệnh trở lại.
Người chăn nuôi bất lực nhìn những con bò trong trang trại của gia đình lăn ra chết do bị tiêu chảy, bỏ ăn, kiệt sức sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục (Navet-Lpvac). |
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan tiếp tục triển khai phương án phù hợp để điều trị cho đàn bò.
Đối với các vấn đề về vaccine viêm da nổi cục cho bò, do Công ty Navetco sản xuất, đề nghị làm rõ: Quy trình đấu thầu; quá trình giao, nhận và bảo quản; các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vaccine viêm da nổi cục Navet-Lpvac để tiêm cho đàn bò trên địa bàn tỉnh, đồng thời, khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Đồng chí Nguyễn Thái Học cũng yêu cầu căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ; Đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi; từng loại, tình trạng bò để xác định mức hỗ trợ, bồi thường phù hợp, thỏa đáng, đúng quy định.
Lực lượng chức năng hỗ trợ vận chuyển, tiêu hủy theo quy định những con bò sữa chết tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. |
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đề nghị Công ty Navetco phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, bảo đảm thỏa đáng và đúng quy định.
Cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng bò sữa bị bệnh tiêu chảy tại Lâm Đồng. |
Trước đó, ngày 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, về bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tỉnh Lâm Đồng. Báo cáo nêu, căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gien, Cục Thú y bước đầu kết luận (do hiện nay các phòng thí nghiệm đang nuôi cấy phân lập virus, giải trình tự gien và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y thế giới để xác định chính xác): Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine Navet-Lpvac của Công ty Navetco.
Loại vaccine phòng viêm da nổi cục tiêm trên đàn bò sữa tại Lâm Đồng. |
Như Báo Nhân Dân đã liên tục thông tin, về diễn biến bệnh tiêu chảy trên bò sữa tại Lâm Đồng, thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 7/7 và muộn nhất vào ngày 2/8. Ngày 26/7, các đơn vị chuyên môn ghi nhận phát sinh ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Qua theo dõi, diễn biến bệnh tại các địa bàn cơ bản tương ứng với tiến độ đã tiêm phòng (xuất hiện các triệu chứng sau 7 đến 10 ngày tiêm).
Tính đến 16 giờ ngày 19/8, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 6.400 con bò bị bệnh, trong đó có 348 con chết, 718 con hồi phục.