Lâm Đồng: Lá cờ đầu khu vực Tây Nguyên trong chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Hạnh| 01/09/2023 14:00

Hiện, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu của khu vực Tây Nguyên và cả nước về chuyển đổi số, tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh.

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lâm Đồng. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 107/111 xã (96,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng, huyện Đạ Tẻh, huyện Cát Tiên và huyện Lâm Hà; 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Các huyện còn lại đang tiếp tục rà soát hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới.

Toàn tỉnh Lâm Đông hiện có 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17.000 hộ nông dân.

Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã được xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ.

Phát triển nông nghiệp thông minh góp phần đưa doanh thu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt bình quân 430 triệu đồng/ha; không ít trang trại đạt doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3 - 8 tỷ đồng/ha/năm.

Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp không ít các hợp tác xã của Lâm Đồng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các tiện tích của các nền tảng số như Google, Youtube, Facebook...

Đồng thời, tỉnh cũng triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Lâm Đồng có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - chia sẻ, trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính nhờ nỗ lực này đã đưa Lâm Đồng trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới.

Không bằng lòng với những thành công đã đạt được, xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao các tiêu chí, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (111 xã); có ít nhất 42,3% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (ít nhất 47 xã); có ít nhất 15,3% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (ít nhất 17 xã). Trước năm 2025, Lâm Đồng được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Lâm Đồng: Lá cờ đầu khu vực Tây Nguyên trong chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới

Mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Trong đó, tỉnh đưa ra mục tiêu đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trong khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về Thông tin và Truyền thông theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% các huyện có các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (chuyển đổi số, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...) trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; Xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới.

Theo congthuong.vn
https://congthuong.vn/lam-dong-la-co-dau-khu-vuc-tay-nguyen-trong-chuyen-doi-so-xay-dung-nong-thon-moi-269521.html
Copy Link
https://congthuong.vn/lam-dong-la-co-dau-khu-vuc-tay-nguyen-trong-chuyen-doi-so-xay-dung-nong-thon-moi-269521.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lâm Đồng: Lá cờ đầu khu vực Tây Nguyên trong chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO