Lâm Đồng: Hơn 500 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét

Lê Thắng| 18/09/2024 10:10

Thời gian qua, tình trạng sạt lở đất, lũ quét, ngập úng cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh hiện có hơn 510 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Với địa hình cao nguyên đa dạng, kết hợp với mùa mưa kéo dài và lượng mưa lớn, Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao. Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đất thường xảy ra nhất là các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn như trên Quốc lộ 20, 27, 28, đường 723; sạt lở bờ xảy ra ở các sông, suối trong tỉnh như sông Đạ B’sa (huyện Đạ Huoai), sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên), sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương), sông Đa Dâng (huyện Lâm Hà), suối Đạ Mí, sông Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh), sông Krông Nô (huyện Đam Rông), khu vực sườn dốc (huyện Lạc Dương).

Ở các đô thị trong tỉnh, hiện tượng sạt lở đất cũng thường xuất hiện tại thị trấn D'ran (huyện Đơn Dương), TP Đà Lạt. Đặc biệt sạt lở đất do tai biến địa chất xảy ra nghiêm trọng ở thị trấn Di Linh và các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gia Hiệp (huyện Di Linh), xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà), đèo Bảo Lộc (TP Bảo Lộc), xã Đạ K’nàng (huyện Đam Rông).

Lâm Đồng: Hơn 500 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét
Sạt lở tại khu dân cư thuộc phường 3 khiến 6 hộ dân phải di dời để đảm bảo an toàn. Ảnh: BLĐ.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có hơn 510 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, trong đó, 396 vị trí nguy cơ sạt lở, 101 vị trí ngập úng, lũ quét và 3 vị trí sụt lún.Tại địa bàn huyện Đam Rông, theo kết quả rà soát, thống kê hiện trên địa bàn huyện có 47 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó 8 điểm có nguy cơ sạt lở cao với 146 hộ dân nguy cơ bị ảnh hưởng. Vụ việc sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra trên địa bàn giữa tháng 7 đã làm 3 người dân bị thiệt mạng, sập hoàn toàn 2 căn nhà với ước thiệt hại về tài sản khoảng 3 tỷ đồng.

Trên địa bàn TP.Đà Lạt, các đơn vị chức năng cũng ghi nhận 51 điểm. Riêng tuyến Quốc lộ 20, đoạn qua xã Trạm Hành, Xuân Trường đã xuất hiện 4 vị trí sạt lở đất. Hay vụ sạt lở taluy trong khu dân cư thuộc phường 3 khiến 6 hộ dân phải di dời để đảm bảo an toàn.

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, về nguyên nhân trực tiếp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại tỉnh Lâm Đồng, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750 - 3.150mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Lượng mưa cao, kéo dài nhiều ngày, cục bộ có những cơn mưa lớn là nguyên nhân làm nền đất bị yếu, gây sạt lở, sạt trượt. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng, san gạt, đào đắp tạo mặt bằng xây dựng để xây dựng công trình tại các vị trí, khu vực sườn dốc, tayluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt trượt cũng là một trong nguyên nhân gây sạt lở, trượt, nứt đất và gây tác động đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Lâm Đồng: Hơn 500 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét
Nhiều khu vực tại TP. Đà Lạt ngập sâu sau mưa lớn.

Để tăng cường các giải pháp phòng chống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định phân bổ chi tiết nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh với số tiền 280 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai gây ra trong thời gian vừa qua.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ kinh phí được hỗ trợ cho 11 dự án công trình cho 8 địa phương và 1 đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện. các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể để hạn chế nguy cơ sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung các nội dung: rà soát các công trình tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc có độ chênh taluy lớn để sớm xử lý. Rà soát các đồ án quy hoạch để đảm bảo hạn chế tối đa sạt trượt, ngập lụt; đảm bảo quy hoạch thoát nước. Lập bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét để làm cơ sở quản lý quy hoạch, xây dựng công trình. Xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm sạt lở, ngập lụt. Tiếp tục thực hiện đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu ngập lụt cho khu vực nội ô Đà Lạt đã được tỉnh phê duyệt danh mục năm 2023;…

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương thực hiện và cũng đã có một số dự án chống sạt lở đất, chống ngập úng được triển khai trong năm 2023.

Các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương rà soát, thống kê, cung cấp thông tin các khu vực xảy ra hiện tượng tai biến địa chất, sụt lún, trượt lở đất, lũ quét. Kết quả rà soát đã được tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng nội dung, khối lượng và dự toán Nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá, khảo sát bổ sung cơ sở dữ liệu về thiên tai sạt lở đất, lũ quét lập bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn (1:5.000, 1:2.000) cho các vị trí, khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt, Bảo Lộc”.

Liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường có thể xảy ra; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực sông, suối, sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc trực ban 24 giờ/24 giờ để kịp thời chỉ đạo, xử lý và ứng phó có hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra.

Sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai rất nguy hiểm, có thể xảy ra ở những nơi mà người dân không ngờ tới. Sạt lở đất cũng là một trong những vấn đề rất lớn mà bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Con số thương vong, mất tích về sạt lở đất vẫn đang tăng lên tại nhiều địa phương. Theo số liệu thống kê ghi nhận có hơn 300 người thiệt mạng và mất tích, chủ yếu do sạt lở đất.

Trong nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm sạt lở đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi và trung du. Theo đó, sẽ thiết lập hệ thống thông tin cảnh báo sớm, nâng cao, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du và miền núi. Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ 1/10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao. Bộ bản đồ ở giai đoạn đầu đã chỉ ra 220 xã ở mức sạt lở cao nhất, trùng khớp với hiện tượng sạt lở đất và các khu vực thực tế hay bị sạt lở.

Kế hoạch cũng tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro tỉ lệ trung bình, tỉ lệ lớn, đồng bộ, tổng thể. Đồng thời, cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai của các cán bộ và người dân địa phương nhằm giảm nhẹ thiên tai do sạt lở đất và lũ quét gây ra.

Theo ieem.vn
https://ieem.vn/lam-dong-hon-500-vi-tri-co-nguy-co-sat-lo-lu-quet-26428.html
Copy Link
https://ieem.vn/lam-dong-hon-500-vi-tri-co-nguy-co-sat-lo-lu-quet-26428.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lâm Đồng: Hơn 500 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO