Ngày 3/8, tại TP Đà Lạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng.
Hội nghị với sự tham gia của đại diện 150 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh và 25 đối tác là các công ty quản lý các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Shopee, Lazadade, Propii, TikTok…
Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng Hôi Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Văn Việt) |
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận định rằng, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, các sản phẩm OCOP được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của các địa phương, các cấp, ngành, Chương trình OCOP thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Quang cảnh hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng |
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, địa phương luôn quan tâm, thực hiện các hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP. Đây được xác định là hoạt động quan trọng, mấu chốt để đưa thương hiệu “Nông sản Đà Lạt”, nông sản Lâm Đồng ra với thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển TMĐT, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị tham gia các sàn giao dịch TMĐT để từng bước số hóa thương mại nông sản, đa dạng hóa phương thức tiêu thụ, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tạo cơ sở để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.
Các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng |
Chia sẻ tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Huyền, đại diện Công ty TNHH Hoàng Anh Maca, tỉnh Lâm Đồng cho biết, 5 năm trước, công ty sản xuất ra những sản phẩm mắc ca đầu tiên và doanh nghiệp đã tính đến phương án tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử. Trong đó bao gồm trên nền tảng mạng xã hội Facebook, các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee và website bán hàng của công ty.
“Chúng tôi đã nhận thấy thương mại điện tử là môi trường kinh doanh rất phù hợp với doanh nghiệp mới như chúng tôi. Thay vì phải xây dựng đội sale để đưa sản phẩm tới tay khách hàng theo các kênh phân phối truyền thống thì chúng tôi có thể bán hàng trực tiếp cho khách hàng ở khắp mọi nơi trên Việt Nam mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian”, bà Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ.
Tuy vậy, theo bà Huyền, việc phát triển các kênh thương mại trên, doanh nghiệp gặp khó khăn khi chi phí quảng cáo ở nền tảng mạng xã hội cao, đặc biệt quá cao so với biên độ lợi nhuận bán nông sản. Do vậy, doanh nghiệp đề nghị được chính quyền có biện pháp hỗ trợ trong việc tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, kiến nghị địa phương xây dựng, triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về tiêu thụ nông sản của tỉnh với đại diện một số các sàn TMĐT; giữa doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với một số đối tác ngoài tỉnh.
Ban tổ chức cũng tổ chức 40 gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, tổ chức hoạt động trình diễn, bán hàng trực tiếp trên nền tảng TikTok “Phiên chợ OCOP, Nông sản trong mây”.
Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 214 sản phẩm OCOP đã được cấp chứng nhận. Trong đó 9 sản phẩm OCOP 5 sao, 94 sản phẩm OCOP 4 sao, 111 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong 123 chủ thể sản phẩm OCOP được cơ cấu như: doanh nghiệp (66 chủ thể); trang trại, cơ sở, hộ cá thể (29 chủ thể); hợp tác xã (23 chủ thể); tổ hợp tác (5 chủ thể). Trang TMĐT www.nongsandalatlamdong.vn của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã cập nhật toàn bộ thông tin 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP và thông tin 1.149 mặt hàng nông sản của 350 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trên địa bàn. Bước đầu đã kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh Lâm Đồng trên thị trường cả nước và thị trường các nước EU, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản…