Giống lợn rừng lai được nhiều hộ dân tại Lâm Đồng nuôi nhốt chuồng (Ảnh minh hoạ). |
Chiều 28/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương chỉ đạo cơ quan chuyên môn và địa phương tập trung mọi nguồn lực, hướng dẫn chuyên môn để xử lý dứt điểm ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Đạ Nhim.
Đồng thời, khoanh vùng, cách ly, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan diện rộng; hướng dẫn, vận động người chăn nuôi khai báo với chính quyền, cơ quan thú y địa phương khi phát hiện có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh và không vứt xác lợn chết ra môi trường và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn về chuyên môn để xử lý ổ dịch, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, có hiệu quả; hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, có 24 con lợn rừng lai tại trang trại của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Trường Thành (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) được phát hiện mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Giống lợn rừng lai được nhiều hộ dân tại Lâm Đồng nuôi nhốt chuồng (Ảnh minh hoạ). |
Tại trang trại này có 4 dãy chuồng, nuôi khoảng 450 con lợn, giống lợn đen địa phương lai lợn rừng. Từ ngày 12 đến 16/3, công ty phát hiện khoảng 11 con lợn bỏ ăn; trong đó có 7 con bị chết. Sau đó, công ty lấy mẫu của 3 con lợn nái tiến hành xét nghiệm và xác định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đến ngày 21/3, tiếp tục phát hiện thêm nhiều lợn rừng lai chết. Số lợn chết đã được công ty tiến hành tiêu hủy bằng phương pháp đốt.
Sau khi nắm thông tin, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương đã yêu cầu cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân xã Đạ Nhim khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch trên đàn lợn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Trường Thành, không để dịch bệnh lây lan.