Lâm Đồng cấp 116 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

20/11/2024 22:40

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến giữa tháng 11/2024, toàn tỉnh được cấp 116 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 5.597 ha phục vụ xuất khẩu.

Tuyển chọn chanh leo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Blue Ocean JSC, huyện Lâm Hà.Tuyển chọn chanh leo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Blue Ocean JSC, huyện Lâm Hà.

Trong đó, có 114 vùng trồng sầu riêng, với diện tích hơn 5.489 ha, chiếm 60,2% tổng diện tích kinh doanh trồng thuần; 2 vùng trồng chanh leo, với diện tích 111 ha, chiếm 11,7% tổng diện tích kinh doanh. Đồng thời, 10 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu được cấp mã số, với tổng diện tích nhà xưởng hơn 13.500 m2.

Cùng với sầu riêng và chanh leo, Lâm Đồng còn được cấp 12 mã số vùng sản xuất hạt giống rau xuất khẩu sang thị trường EU, với sản lượng hơn 5.700 kg hạt giống ớt, cà chua mỗi vụ. Toàn tỉnh Lâm Đồng có 42,2 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng hơn 379 nghìn tấn. Hiện tỉnh đang tích cực mở rộng các vùng trồng được cấp mã số, nhằm phát triển diện tích cây trồng xuất khẩu.

Đắk Nông thông qua 12 nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa 4, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 12 nghị quyết chuyên đề trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, tài nguyên và môi trường, đất đai…

Các nghị quyết đã thể chế hóa kịp thời các cơ chế, chính sách khi thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024, Chỉ thị số 35 ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 06 ngày 16/10/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Việc Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông thông qua các nghị quyết chuyên đề là hết sức quan trọng nhằm kịp thời giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại địa phương.

Lắp trạm phát sóng giúp bảo vệ vườn sâm tại Kon Tum

Để giúp người dân bảo vệ vườn sâm và thuận tiện trong việc sinh hoạt, liên lạc, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã kêu gọi đơn vị viễn thông lắp đặt 2 trạm phát sóng tại thôn Tu Thó, xã Tê Xăng và thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri.

Sau khi hoàn thành, rất đông người dân đã mua camera để lắp đặt tại vườn, trục đường chính. Nhiều hộ dân trồng sâm Ngọc Linh chủ động lắp camera để bảo vệ vườn sâm, quản lý vườn bằng công nghệ hiện đại, giúp việc bảo vệ được tốt hơn.

Cùng với việc kêu gọi lắp đặt trạm phát sóng, huyện Tu Mơ Rông còn triển khai các dự án lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các điểm giao thông quan trọng phục vụ kiểm soát, điều tra; giao các xã vận động nhân dân kê khai diện tích, số lượng, vị trí trồng, liên kết trồng để lập hồ sơ pháp lý vùng trồng. Các biện pháp này nhằm hạn chế tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm làm giàu dưới tán rừng.

Đắk Lắk phát triển ngành hàng yến bền vững

Lâm Đồng cấp 116 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu ảnh 1

Ký kết tiêu thụ sản phẩm yến sào giữa Hợp tác xã yến sào Đắk Lắk và Công ty TNHH Thành Dung.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phối hợp Hội Yến sào tỉnh tổ chức Hội nghị Phát triển ngành hàng yến sào Đắk Lắk bền vững. Đến nay, Đắk Lắk là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nuôi chim yến nhanh về số lượng nhà yến, sản lượng yến bình quân hơn 10 tấn/năm.

Tỉnh đang thu hút nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm từ tổ yến, hướng đến thị trường xuất khẩu. Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 sản phẩm chế biến từ tổ yến được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao, 8 sản phẩm OCOP 4 sao; việc gây nuôi chim yến đang trở thành ngành hàng nông nghiệp có hiệu quả cao của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án Phát triển ngành hàng yến bền vững; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến, làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng yến bền vững.

Trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho 2 nông sản Gia Lai

“Mắc-ca Kbang Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ - Gia Lai” là 2 sản phẩm vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.

Theo đó ủy ban nhân dân hai huyện Kbang và Đức Cơ trở thành tổ chức đại diện cho toàn thể người dân, cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mắc-ca và heo Broong.

Đây là sự ghi nhận bảo hộ từ phía Nhà nước đối với tài sản trí tuệ của tỉnh; tạo tiền đề để tỉnh Gia Lai và hai địa phương có sản phẩm triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn cho đồng bào có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, bảo tồn và phát huy được danh tiếng vốn có, góp phần xây dựng hệ thống sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/lam-dong-cap-116-ma-so-vung-trong-phuc-vu-xuat-khau-post846013.html
Copy Link
https://nhandan.vn/lam-dong-cap-116-ma-so-vung-trong-phuc-vu-xuat-khau-post846013.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lâm Đồng cấp 116 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO