Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk R’lấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với N.H.Đức (SN 1991), quê Nghệ An vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Đức cùng bạn gái vào một nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) để thuê phòng. Khi trả phòng, Đức vô tình thấy điện thoại nhãn hiệu Samsung của ông Đ, chủ nhà nghỉ rơi ở cổng ra vào. Đức nhặt lên mở xem thì thấy điện thoại không có khóa nên đã vào ứng dụng Zalo có sẵn trong điện thoại. Đức đã mạo danh ông Đ, nhắn tin vào tài khoản Zalo của cháu ông Đ là anh H để hỏi mượn số tiền 5 triệu đồng.
Nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Zalo của ông Đ, anh H tin tưởng là chú mình thật nên đã chuyển số tiền 5 triệu đồng vào tài khoản do Đức cung cấp. Hôm sau, anh H gặp ông Đ mới biết mình bị lừa nên đã trình báo với cơ quan chức năng. Có được tiền, Đức đã rút ra chi tiêu cá nhân cho đến khi bị khởi tố điều tra vì hành vi pham tội của mình.
Tuy cài mật khẩu điện thoại nhưng chị Mai Thị X, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) vẫn bị kẻ gian đột nhập điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu thức khá tinh vi chỉ vì sự chủ quan của bản thân.
Chị X thường xuyên đến một tiệm spa để chăm sóc sắc đẹp và được N.T.Hưng, trú tại phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) là nhân viên ở đây trực tiếp thực hiện việc chăm sóc. Quá trình làm, Hưng thấy chị X hay sử dụng điện thoại và để ý thấy mật khẩu bảo vệ điện thoại là 0000. Hưng cũng biết chị X là người kinh doanh nông sản, luôn có tiền trong tài khoản nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của chị X.
Mỗi người nên cẩn thận hơn trong quá trình sử dụng, bảo quản điện thoại để kẻ gian không thể dễ dàng xâm nhập vào các tài khoản mạng xã hội nhằm lừa đảo |
Khi chị X đang thực hiện liệu trình tắm trắng phải để điện thoại ngoài phòng, Hưng đã lén lấy điện thoại của chị, mở mật khẩu, truy cập vào lịch sử tài khoản Zalo để kiểm tra tin nhắn. Hưng thấy chị X có nhắn tin cho em gái Mai Thị N, ở Lâm Đồng được lưu là “Dì N”, hai người đang góp tiền với nhau để mua đất.
Từ thông tin này, Hưng nảy sinh ý định giả danh em gái của chị X nên đã ẩn tài khoản Zalo “Dì N”, sau đó, lưu lại tên “Dì N” từ một tài khoản Zalo khác bằng số thuê bao của mình. Để tránh bị phát hiện, Hưng còn cẩn thận sao lưu và đặt ảnh đại diện, ảnh bìa để cho giống với tài khoản “Dì N” thật.
Xong xuôi, Hưng sử dụng nick “Dì N” giả nhắn tin cho chị X, hỏi mượn số tiền 700 triệu đồng để mua đất, đề nghị chuyển tiền vào số tài khoản mang tên N.B.H.V (một người quen trong làm ăn của Hưng). Tắm xong, chị X thấy tin nhắn hỏi mượn tiền, tin tưởng là của em gái mình thật nên chị X đã chuyển khoản 700 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của H.
Biết chị X đã chuyển tiền đến tài khoản của V, Hưng liên lạc, yêu cầu V chuyển 700 triệu đồng để mua 29.790 USDT (tiền điện tử) chuyển về địa chỉ ví điện tử do mình tạo trên sàn giao dịch Remitano. Sau đó, H thực hiện các giao dịch bán hết số tiền điện tử trên, thu về hơn 682 triệu đồng thông qua tài khoản ngân hàng của mình và chị gái để tiêu xài vào mục đích cá nhân.
Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt N.T.Hưng 7 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hưng đã phải trả giá đắt vì lòng tham, hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Các vụ án là bài học đắt giá cho các đối tượng lừa đảo và cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người trong việc bảo quản điện thoại, thông tin cá nhân của bản thân.
Để bảo đảm an toàn, mỗi người nên cẩn thận hơn trong quá trình sử dụng, bảo quản điện thoại để kẻ gian không thể dễ dàng xâm nhập, vào các tài khoản mạng xã hội nhằm lừa đảo. Khi có người quen, người thân nhắn tin mượn tiền thì nên cẩn thận xác nhận lại các thông tin hoặc gọi điện thoại kiểm tra trước khi cho mượn để tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo.