Đời sống

Làm báo phải dấn thân, say nghề, sát đời sống

Hoàng Hoài 01/06/2024 06:00

Đó là chia sẻ, tâm sự của các nhà báo từng đạt giải thưởng Giải Báo chí quốc gia đang công tác tại các cơ quan báo chí Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Vấn đề được chọn phải đang là “nỗi đau” của xã hội

Xây dựng thương hiệu cho nông sản là câu chuyện đã được nhiều nhà báo phản ánh. Vậy nhưng, làm thế nào để dẫn dắt câu chuyện có đầu, có đuôi, làm rõ được vai trò của Nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách có liên quan lại không hề dễ dàng. Từ đó, nhà báo Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Đắk Nông trăn trở, lên ý tưởng, hình thành chuỗi bài 3 kỳ: “Vì sao nông sản Đắk Nông mãi vẫn chưa có “tên” có “tuổi”?.

135809image_6483441.jpg
Nhà báo Nguyễn Văn Hải cho rằng, Giải báo chí quốc gia về một góc độ nào đó là sự ghi nhận những nỗ lực lao động sáng tạo của nhà báo đối với các vấn đề của đất nước, địa phương

Quá trình tác nghiệp, do gặp nhiều khó khăn về vấn đề chọn người phỏng vấn liên quan đến nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Tuy Đức”, nên anh phải xoay nội dung cần phỏng vấn từ “Làm gì để Hội Khoai lang Tuy Đức phát huy vai trò trung tâm kết nối hội viên nhằm xây dựng thương hiệu khoai lang Tuy Đức” sang “Trách nhiệm của những người có liên quan, vì sao lại bỏ bê vấn đề nhãn hiệu và phát huy thương hiệu khoai lang Tuy Đức suốt nhiều năm qua”. Từ đó, anh Hải đào sâu, tìm tòi đi tìm lời giải thích, tìm lời giải cho thương hiệu nông sản Đắk Nông để xâu chuỗi thành loạt bài 3 kỳ.

Với loạt bài này, anh Hải đã đoạt được giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2017. Anh Hải cho biết: “Đối với những người làm báo, giải báo chí quốc gia về một góc độ nào đó là sự ghi nhận những nỗ lực lao động sáng tạo của nhà báo đối với các vấn đề của đất nước, địa phương. Qua đó, các cấp, ngành nắm bắt vấn đề để điều chỉnh, thực hiện chính sách hiệu quả hơn”.

Điều đáng nói, sau khi loạt bài “Vì sao nông sản Đắk Nông mãi vẫn chưa có "tên" có "tuổi" ?” được đăng trên Báo Đắk Nông điện tử, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở NN - PTNT, Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ, huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song, huyện Đắk Mil nhanh chóng vào cuộc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh Đắk Nông đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận 2 nhãn hiệu tập thể là “Khoai lang Tuy Đức và “Hồ tiêu Đắk Song”. Các huyện Tuy Đức, Đắk Song cũng đã nhìn nhận, phân tích rõ tồn tại, yếu kém, triển khai các giải pháp nhằm vực dậy 2 nhãn hiệu hàng hóa tập thể duy nhất của tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ.

nguyen-hai.jpg

Đặc biệt, các địa phương đã kiện toàn lại Hội Khoai lang huyện Tuy Đức và Hội Hồ tiêu Đắk Song – một trong những giải pháp được nêu trong bài viết đã được các địa phương vận dụng kịp thời.

Ngay sau khi được kiện toàn, các hội đã nhanh chóng triển khai các mô hình sản xuất khoai lang Nhật Bản, hồ tiêu hữu cơ theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hội viên tạo thành chuỗi liên kết bền vững hơn.

Các địa phương cũng xây dựng phương án khôi phục vùng nguyên liệu, đưa cây khoai lang, hồ tiêu lên một tầm cao mới, đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng thương hiệu, mạo danh khoai lang Tuy Đức và hồ tiêu Đắk Song.

Đến nay, thương hiệu “Khoai lang Tuy Đức” và “Hồ tiêu Đắk Song” đã được khôi phục, phát huy giá trị đối với người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng này. “Các nhãn hiệu hàng hóa cá nhân không còn tình trạng “bỏ mặc” hoặc “tự bơi”, thay vào đó, các cấp, ngành, địa phương cùng “xắn tay” hỗ trợ tích cực hơn về xúc tiến thương mại, vốn, nâng cao kiến thức về quản trị hàng hóa đối với các chủ thể nhãn hiệu. Kết quả này chính là động lực để tôi tiếp tục đam mê với nghề và tiếp tục sáng tác những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống”, Nhà báo Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của mình, nhà báo Nguyễn Văn Hải cho rằng, để tác phẩm báo chí đạt giải cấp Trung ương, mỗi nhà báo cần chọn đề tài mang tính thời sự lớn, đang là “nỗi đau” của xã hội. Quá trình triển khai cần lập kế hoạch chi tiết, chọn loại hình báo chí phù hợp như phóng sự, kể chuyện hay phản ánh… Ngoài năng lực của các tác giả, nhóm tác giả, bài báo cần đưa ra các ý kiến, giải pháp mang tính kiến tạo xây dựng...

Hăng say với nghề, thành công ắt tới

Trong một lần tác nghiệp tại xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, nghe người dân nói về du sam - loại cây quý hiếm, được xếp vào nhóm 1A hiện nay đang bị triệt hạ, nhà báo Cao Song Việt, Trưởng Phòng Phóng viên Kinh tế, Báo Đắk Nông từng bước tìm hiểu, xâu chuỗi vấn đề, lên kế hoạch để viết loạt bài “Quần thể du sam trên đỉnh Nâm Nung bị triệt hạ”.

Trong 6 tháng “thai nghén”, mỗi ngày, anh đều suy nghĩ, tìm cách tiếp cận việc khai thác du sam để có những hình ảnh chân thật nhất. “Khu vực mà chúng tôi hướng đến là tiểu khu 1133. Tiểu khu này vốn được cánh lâm tặc gọi là “đỉnh trời”, vì có độ cao lên tới hơn 1.500m so với mực nước biển. Là nơi có địa hình hiểm trở nên rất ít người lui tới. Chúng tôi phải cậy nhờ vào một thợ săn dày dạn kinh nghiệm dẫn đường”, anh Việt tâm sự.

174743dsc_2694.jpg
Nhà báo Cao Song Việt luôn tâm niệm, làm báo phải chấp nhận vất vả, hy sinh thì tác phẩm mới có chỗ đứng trong lòng độc giả

Trên đường di chuyển, anh chỉ mang những lương thực nhẹ chủ yếu là bánh mì và duy nhất một bộ quần áo đang mặc với máy móc tác nghiệp nhỏ gọn bắt đầu hành trình băng rừng. Tờ mờ sáng, anh tập kết tại chân núi Nâm Nung và bắt đầu hành trình leo lên “đỉnh trời”. Quãng đường di chuyển bằng đường rừng khó khăn, nguy hiểm rình rập, nhưng với trách nhiệm của người làm báo, anh Việt tự động viên bản thân vượt qua để đóng góp một phần gìn giữ, bảo vệ loại cây quý hiếm này.

Khoảng 6 giờ tối, anh mới vào được hiện trường. Lúc này, trời bỗng nhiên mưa lớn, trong khi ánh sáng của đèn pin chỉ le lói, nên anh phải tranh thủ từng giây, từng phút để ghi hình, chụp lại những bức ảnh phản ánh rõ nét nhất câu chuyện khai thác du sam.

Nhà báo Song Việt cho biết: “Khi thu thập xong tư liệu trở lại nơi tập kết, nhìn thấy nhà dân, chân tay nặng như đeo đá vào, tôi ngồi bệt xuống, mặc kệ mưa gió, bùn đất. Nghỉ ngơi chốc lát, tôi chạy nhanh về nhà và viết tác phẩm ngay trong đêm”. Với nỗ lực đó, loạt bài “Quần thể du sam trên đỉnh Nâm Nung bị triệt hạ” đã đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2016.

anh-viet.jpg
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Nhiều năm sau khi tác phẩm ra đời, tình trạng phá rừng ở Đắk Nông vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, rừng du sam ở Khu Bảo tồn Nâm Nung hầu như không còn bị xâm hại. Ngoài sự nỗ lực vượt bậc của đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng, báo chí đã góp phần không nhỏ để bảo vệ loài cây quý hiếm này.

Từ trải nghiệm của bản thân, nhà báo Song Việt chia sẻ: “Muốn có tác phẩm để đời, tên tuổi thì phải chấp nhận dấn thân, lăn lộn với nghề. Nhà báo phải chấp nhận gian khổ, bám sát cơ sở, hơi thở cuộc sống, phải tự rèn luyện các kỹ năng, không ngừng học hỏi, miệt mài lao động, làm việc chăm chỉ, hăng say thì thành công với nghề ắt sẽ tới”.

Làm báo phải có tâm, có tầm

3 tháng nuôi dưỡng đề tài, nhiều lần xuống tận nơi tác nghiệp, không nhận được cái gật đầu đồng ý trả lời phỏng vấn, thế nhưng chính tình yêu nghề thôi thúc nhà báo Đỗ Công Tính, Trưởng phòng Tổ chức – Trị sự, Báo Đắk Nông kiên trì đeo đuổi để viết nên loạt bài “Góc khuất từ một số dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp”.

Theo anh Tính cái khó của một sản phẩm Báo Điện tử đó chính là hình ảnh và âm thanh, nên người làm báo phải biết tư duy hình ảnh, phỏng vấn những nội dung trọng tâm, cốt lõi vừa đúng vừa trúng, ngắn gọn và quan trọng là bảo đảm tính tự nhiên, thuyết phục cao.

Để nhận được cái gật đầu đồng ý trả lời phỏng vấn của người dân, anh đã hao tâm tổn trí không ít. Không chỉ thuyết phục bằng lời nói, anh còn phải chứng minh báo chí là một vũ khí chiến đấu, là cơ quan ngôn luận sẵn sàng đưa lên diễn đàn những ý kiến góp ý của người dân. Thông qua báo chí, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sẽ có cách nhìn nhận vấn đề sâu và thực tiễn hơn chứ không báo cáo một chiều.

Mưa dầm thấm lâu, anh Tính đã thuyết phục được người dân trả lời phỏng vấn và sẵn sàng nói lên tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của mình để các cơ quan chức năng có cách nhìn thực tiễn hơn. Khi đã có ý kiến của người dân cộng với nguồn tư liệu thu thập được, anh đã xâu chuỗi sắp xếp lại các vấn đề để xây dựng nên tác phẩm dài 3 kỳ.
Với việc đổi mới trong cách viết, tư duy hình ảnh, biết lật ngược, xoay chuyển vấn đề, tác phẩm này đã đoạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2018.

Giải thưởng là sự ghi nhận những cống hiến của anh đối với làng báo và là động lực để anh có nhiều tác phẩm chất lượng hơn. Anh mong muốn những người làm báo hãy tự tìm cho mình những đề tài hay, đầu tư công sức, làm hết trách nhiệm, gửi gắm vào đó niềm yêu nghề để đáp ứng nhu cầu đọc báo ngày càng cao của độc giả.
Nhà báo Đỗ Công Tính chia sẻ: “Nhà báo ai cũng muốn có những tác phẩm chất lượng cao để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc. Do đó, để làm được điều này, người làm báo phải có tâm và có tầm. Có nghĩa là, nhà báo phải tâm huyết với nghề, yêu nghề, say nghề và phải có tâm trong sáng, ngòi bút phải sắc. Đồng thời phải có nhãn quan, tư duy chính trị nhạy bén để chọn đề tài phù hợp với yêu cầu cuộc sống đang đặt ra”.

anh-tinh-d316252bc111487492ba6971eb8af2c0.jpg

Đặc biệt, để có được tác phẩm báo điện tử đúng nghĩa, chất lượng, nhà báo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và làm báo theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng.

Mỗi tác phẩm báo chí bên cạnh nội dung hay, cách thể hiện mới, sáng tạo thì cần có cách trình bày hiện đại, đa dạng như kết hợp đồ họa, infographic, video, âm thanh... để tạo hiệu ứng lôi cuốn, thu hút độc giả. “Nhà báo không chỉ đóng khuôn tác phẩm trong một hình mẫu mà cần phải biến hóa "đứa con" của mình theo từng độ tuổi phù hợp. Nội dung hay, cách trình bày đa dạng, sáng tạo, hiện đại sẽ tạo nên một tác phẩm hay”, nhà báo Công Tính chia sẻ.

Mỗi nhà báo cần xây dựng cho mình lối viết riêng

Tháng 11/2021, nhà báo Dương Xuân Hạnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông nhận được đơn thư phản ánh của một số doanh nghiệp đang thực hiện các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Nông về việc thường xuyên bị ngành Điện lực tiết giảm sản lượng điện.

Từ nguồn tin này, anh đã gọi điện thoại cho một số doanh nghiệp để bảo đảm tính xác thực, sau đó xây dựng kịch bản sơ lược và đăng ký thực hiện tác phẩm 2 kỳ về "Các dự án điện mặt trời tại Đắk Nông".

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của những “nạn nhân” bị tiết giảm sản lượng điện, chỉ sau 1 tuần, anh Hạnh đã thu thập đầy đủ tư liệu, hình ảnh để thực hiện phần hậu kỳ. Thời gian thực hiện kịch bản chi tiết, anh đã được lãnh đạo phòng, Ban Giám đốc, trong đó trực tiếp là Giám đốc hướng dẫn, chỉnh sửa từng kỳ cụ thể.

anh-hanh.jpg
Nhà báo Dương Xuân Hạnh luôn đi tìm những góc khuất của xã hội để phản ánh đến công chúng

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để kịp phát điện trước ngày 31/12/2020 theo tinh thần khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà đã được xây dựng khẩn trương tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song... Trước 31/12/2020, các công trình điện mặt trời mái nhà đã được thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021, các dự án này bị tiết giảm sản lượng điện từ 11 đến 30%, thậm chí có thời điểm lên đến 50%. Việc tiết giảm sản lượng điện không chỉ gây lãng phí cho loại hình năng lượng tái tạo này mà khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Trước rất nhiều nội dung cần phản ánh, anh đã chia tác phẩm ra làm 2 kỳ. Trong đó, kỳ 1 với tựa đề: “Chủ đầu tư khóc ròng vì phải tiết giảm điện” phản ánh nỗi khổ của các doanh nghiệp khi hàng ngày phải tiết giảm từ 10 đến 50% công suất điện, gây thiệt hại lớn đến doanh thu. Kỳ 2 với tựa đề: “Doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà có nguy cơ vỡ nợ vì bị tiết giảm sản lượng điện” phản ánh việc các doanh nghiệp vay ngân hàng để thực hiện các dự án đang bên bờ vực bị phá sản.

Với tác phẩm này, nhà báo Dương Xuân Hạnh đoạt giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2021. Anh Hạnh tâm sự: “Để có những tác phẩm báo chí chất lượng thì khâu đầu tiên là chọn đề tài. Nhà báo phải chọn những đề tài là vấn đề “nóng”, nhức nhối của xã hội, có tác động trực tiếp đến đời sống người dân, doanh nghiệp hoặc địa phương. Từ đó, mỗi nhà báo xây dựng cho mình lối viết riêng, không cần “đao to, búa lớn” mà trực tiếp đi thẳng vào vấn đề, giải quyết vấn đề một cách rốt ráo. Bài viết trên cơ sở tôn trọng sự thật, không tô đen hay bôi hồng vấn đề thì cần phải đánh đúng, đánh trúng, có sức lay động, tác động xã hội lớn để các cấp, ngành vào cuộc làm rõ".

anh-hanh(1)-d06b242a8deef9737ecb547116d072fc.jpg

Cũng theo nhà báo Xuân Hạnh, để có những bài báo chất lượng, ngoài sự nỗ lực của nhà báo, các cấp, các ngành cũng cần phối hợp, tạo điều kiện để nhà báo hoàn thành nhiệm vụ góp phần thông tin tuyên truyền một cách chân thực nhất các vấn đề của địa phương đến người đọc, người xem.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm báo phải dấn thân, say nghề, sát đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO