Kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ
Trong bài viết của Sputnik, năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho đến các chuyên gia, nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ vào những động lực thúc đẩy GDP phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI, các chính sách kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo bài viết, Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu và Việt Nam khó đứng ngoài vòng xoáy này. Việt Nam đã buộc phải thực hiện biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, với tỉ lệ phủ vắc xin cao, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, "gió đã đổi chiều" và kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với những tín hiệu tươi sáng, lạc quan.
Các chuyên gia nhận định năm 2022 Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc |
Dù chưa hết năm 2021 nhưng nhìn vào các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn làm được những điều "phi thường". Trong khi biến thể Delta và sau đó là biến thể Omicron khiến nhiều nước trên thế giới chao đảo, song Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương (trên 2%). Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn cho xuất khẩu của cả nước. Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc trên 660 tỷ USD, tăng trên 21%, thậm chí là 22%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là việc chuyển kế hoạch từ "zero Covid” sang thích ứng an toàn, chủ động, kiểm soát dịch bệnh.
Lạc quan về tăng trưởng
Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 tăng cao nên tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế và tăng trưởng trở lại. Ông Jefferies lưu ý năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết…
Chuyên gia của WB cho rằng nhờ lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020 và tăng hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã hết khoản tiết kiệm do đại dịch. Việc nới lỏng các chính sách tài khóa, thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu cũng có thể được cân nhắc.
Theo số liệu mà Tổng cục Hải quan cũng như Bộ Công thương vừa công bố, tính đến hết ngày 15/12, xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7%, tương ứng tăng 50,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp và dự báo xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế năm 2022. |