Lạc quan cải thảo VietGAP Quảng Sơn

Kim Ngân| 19/09/2022 08:23

Để giúp các hộ đồng bào thiểu số phát triển rau xanh theo hướng an toàn, tạo sản phẩm hàng hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình liên kết sản xuất cải thảo VietGAP tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong). Mô hình đạt kết quả khả quan và đang được tiến hành nhân rộng.

Cũng như nhiều người dân trên địa bàn xã Quảng Sơn, trước đây, anh Bế Văn Chiến sản xuất nông nghiệp mang tính tự phát, manh mún, nên việc đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi không ổn định.

Khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP, anh đã tham gia. Anh được hỗ trợ trồng 5 sào cải thảo, được tiếp cận khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn rau.

Sản phẩm làm ra được Công ty TNHH CJ Foods ký kết bao tiêu với giá ổn định, nên anh Chiến không phải lo lắng gì. Cách thức sản xuất mới cũng giúp anh mở mang được nhiều thứ.

Người dân tham gia hội thảo đầu bờ về mô hình sản xuất cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP

Anh Chiến cho biết: “Khi tham gia mô hình, chúng tôi biết cách làm ra sản phẩm tốt, chất lượng. Về giá cả thì có bên doanh nghiệp bao tiêu, kỹ thuật có cán bộ Trung tâm hỗ trợ. Bà con đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của nhà máy chế biến”.

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Sơn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai có 36 hộ tham gia, với quy mô 18 ha.

Kinh phí thực hiện mô hình hơn 471 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 356,9 triệu đồng (bao gồm vật tư nông nghiệp hơn 266 triệu đồng, chứng nhận VietGAP 90 triệu đồng); phía người dân đối ứng  hơn 114 triệu đồng.

Thông qua mô hình, nhiều nông dân xã Quảng Sơn đã biết áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cải thảo theo hướng liên kết chuỗi, tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn, hàng năm, người dân trên địa bàn xã cũng trồng rau củ, quả, nhưng sản xuất vẫn theo lối truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nhiều.

Vì vậy, chất lượng sản phẩm kém, không có đầu ra ổn định. Khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình trồng cải thảo VietGAP, chính quyền và người dân hết sức phấn khởi.

Thông qua mô hình, bà con được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau củ, biết cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu hại cho cây trồng.

Sản phẩm cải thảo của bà con được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ

Bà con biết liên kết với nhau để hình thành vùng sản xuất rau rộng lớn, đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho doanh nghiệp. Theo đánh giá, các nông hộ tham gia mô hình đã thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cải thảo.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình đạt các chỉ tiêu về kỹ thuật. Trong đó, tỷ lệ sản phẩm đồng đều đạt trên 90%; trọng lượng cải thảo trung bình 700gram/cây.

Tỷ lệ cải thảo loại 1 đạt 70%, loại 2 là 30%; năng suất trung bình hơn 25 tấn/ha/vụ. Với giá bán 7.000đ/kg, trừ chi phí, nông hộ có lợi nhuận hơn 61 triệu đồng/ha/vụ.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, qua theo dõi, mô hình cải thảo đạt kết quả bước đầu rất khả quan. Mô hình đã giải quyết được vấn đề đầu ra với lượng sản phẩm lớn.

Trong những ngày chuẩn bị bước vào thu hoạch, toàn bộ 18 ha cải thảo của bà con đã được chứng nhận đạt tiêu tiêu chuẩn VietGAP. Đơn vị liên kết là Công ty TNHH CJ Foods đã ký kết tiêu thụ cho người dân 5 tấn cải thảo/ngày.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tính toán để triển khai, nhân rộng mô hình này để giúp bà con nông dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế hiệu quả.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/lac-quan-cai-thao-vietgap-quang-son-95116.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/lac-quan-cai-thao-vietgap-quang-son-95116.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lạc quan cải thảo VietGAP Quảng Sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO