Đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp xã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, được xem là lá chắn đầu trong phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Đi trước về sau, xông vào nơi nguy hiểm
Anh Nguyễn Dương Tuấn, thành viên Đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa.
Dù đã qua 1 năm, nhưng anh Tuấn vẫn còn nhớ như in những ngày vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023 khi anh cùng nhiều cán bộ, công chức phường có mặt tại các địa điểm ngập úng, sạt lở đất để ứng phó, giúp dân sơ tán người, tài sản do ảnh hưởng của thiên tai.
Anh Tuấn cho hay, trời mưa nhiều ngày liên tục nên đội xung kích đã tăng cường khảo sát, nắm tình hình, sẵn sàng ứng cứu khi cần. Thế nhưng, không ngờ nước ở các suối trên địa bàn phường lên nhanh, gây ngập lụt tại khu vực tổ dân phố 1 và 2. Trước tình hình đó, mấy ngày liền, anh Tuấn và các thành viên trong đội thay nhau túc trực 24/24h, có mặt tại các điểm ngập úng, sạt lở.. để hỗ trợ người dân.
"Cùng với thường xuyên khảo sát, nắm bắt địa bàn, khi có sự cố, các thành viên trong đội nhanh chóng có mặt tại các địa điểm ngập úng, sạt lở... để di chuyển người, tài sản đến khu vực an toàn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân", anh Tuấn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hà, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung cảm kích: "Gia đình tôi được các lực lượng chức năng, địa phương hỗ trợ nhanh chóng di dời khỏi khu vực ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Sau khi nước rút, đội xung kích còn giúp gia đình tôi và bà con bị ảnh hưởng tổ kê lại đồ đạc, vệ sinh sân, nhà cửa để sớm ổn định sinh hoạt trở lại".
Theo UBND phường Nghĩa Trung, đợt mưa, lũ năm 2023, phường có 30 hộ dân ở tổ dân phố 1 và 2 bị ngập nhà cửa từ 1-2m, có nơi lên đến 3m phải di dời đến nơi an toàn. Trong đó, Đội xung kích PCTT&TKCN phường đã phát huy tốt vai trò lực lượng tại chỗ trong phòng, chống thiên tai.
Ông Võ Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung đánh giá: "Những đợt thiên tai như năm 2023 và những lần xảy ra cháy, sạt lở đất... trên địa bàn phường, đội xung kích đã phản ứng nhanh, kịp thời có mặt xử lý sự cố với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, góp phần giảm thiệt hại thấp nhất. Đội xung kích luôn đi trước về sau, xông vào nơi nguy hiểm nhất khi thực thi nhiệm vụ".
Cũng theo ông Phú, hàng năm, phường quan tâm củng cố, kiện toàn Đội xung kích PCTT&TKCN gắn với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, để đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đội xung kích PCTT&TKCN xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong thời gian qua phát huy tốt vai trò trong công tác PCTT &TKCN. Anh K’Ba, thành viên Đội xung kích PCTT&TKCN xã Đắk Ha thông tin, đang vào mùa mưa, các thành viên đội thường xuyên kiểm tra các điểm đã và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để chủ động tham mưu các cấp chính quyền có biện pháp phòng, chống.
Quá trình nắm địa bàn, đi đến đâu, anh K'Ba kết hợp thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở người dân về việc thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết nguy hiểm, cách nhận biết, phòng tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, giông, sét...
Ông Đoàn Công Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đắk Ha thông tin, lực lượng xung kích cơ sở từ Nhân dân mà ra, sống tại địa phương, hiểu dân và thông thuộc địa hình. Từ đó, Ban chỉ huy PCTT& TKCN xã nắm được cụ thể các điểm xung yếu để chủ động hơn trong các hoạt động phòng ngừa từ đầu, từ xa.
Nòng cốt trong “4 tại chỗ”
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đắk Nông, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường và có xu hướng cực đoan hơn. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh hàng năm chịu ảnh hưởng, tổn thất do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hạn hán.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh nguồn lực, lực lượng hỗ trợ từ bên ngoài thì lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã có vai trò nòng cốt trong thực hiện “4 tại chỗ” ở cơ sở.
Đây là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống thiên tai như: tuyên truyền, rà soát các vị trí xung yếu, ứng phó, khắc phục hậu quả, khôi phục đời sống, sản xuất của Nhân dân...
Lực lượng này luôn có mặt đầu tiên hỗ trợ và triển khai sơ tán khẩn cấp người dân tại các khu vực xảy ra thiên tai để hỗ trợ di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn; tìm kiếm người mất tích, cứu chữa kịp thời người bị thương, vùi lấp, mắc kẹt...
Đây cũng là lực lượng trực tiếp báo hiệu, canh gác, hướng dẫn tại các ngầm tràn, những nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt để bảo đảm an toàn cho học sinh, người tham gia giao thông.
Các đội hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, cầu, cống hư hỏng, dựng nhà tạm, nhanh chóng ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng do thiên tai.
Ông Lê Trung Kiên, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, hàng năm, tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích tại các địa phương. Ban tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng này. Năm 2023, ban đã mua sắm, cấp phát gần 1.900 bộ trang thiết bị cho các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Các lực lượng liên quan như Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Quân sự tỉnh chủ động đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ, diễn tập cho đội ngũ xung kích cấp xã.
Đội xung kích PCTT&TKCN cấp xã do Chủ tịch UBND xã quyết định số lượng đội viên phù hợp với quy mô dân số, tình hình thiên tai, điều kiện cụ thể của địa phương và được kiện toàn hàng năm. Lực lượng này gồm dân quân cơ động, dân quân tại chỗ, công an xã; hội chữ thập đỏ; hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên,hội phụ nữ; công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế và cán bộ thôn, tổ dân phố.