Lá chắn bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

TÚ LINH| 29/03/2023 07:15

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa cảnh báo về những mối nguy hiểm từ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) đối với trẻ em. Sự phát triển vượt trội của công nghệ giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin, song đây cũng chính là "con dao hai lưỡi" khi ngày càng xuất hiện nhiều cạm bẫy mà trẻ em dễ sa vào nếu không được hướng dẫn, giám sát về sử dụng mạng đúng cách.

Ảnh minh họa: UNICEF.
Ảnh minh họa: UNICEF.

Các rủi ro về quyền riêng tư, sự an toàn, tác động về tâm lý và hành vi... là một số nguy cơ đối với trẻ em mà báo cáo mới đây của UNICEF chỉ ra, trong bối cảnh AI đang "làm mưa làm gió" trên toàn cầu và hàng loạt "ông lớn công nghệ" như Google, Microsoft tăng tốc gia nhập cuộc đua về lĩnh vực AI.

Không thể phủ nhận, công nghệ tiên tiến này ngày càng chứng minh tiềm năng thay đổi cuộc sống của con người, là trợ thủ đắc lực cho người lao động, song công nghệ này cũng gây ra không ít tranh cãi. Đã có những ý kiến chỉ trích liên quan đến sản phẩm AI, như vi phạm quyền riêng tư, tạo thông tin sai lệch, gian lận về học vấn...

Các rủi ro về quyền riêng tư, sự an toàn, tác động về tâm lý và hành vi... là một số nguy cơ đối với trẻ em mà báo cáo mới đây của UNICEF chỉ ra, trong bối cảnh AI đang "làm mưa làm gió" trên toàn cầu.

UNICEF và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định, trẻ em có thể bất cẩn khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, dễ trở thành nạn nhân của các vụ xâm nhập dữ liệu trái phép.

Các tổ chức này cũng cảnh báo, AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và thiên vị. Ông Seth Bergeson, một chuyên gia thuộc WEF, đang phụ trách dự án nghiên cứu có tên là "AI cho trẻ em", dẫn ra một thí dụ cụ thể. Tại Anh, một thuật toán AI mới đã đánh giá không chính xác bài kiểm tra Chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao của học sinh. Ðiều này có thể dẫn đến hệ lụy là đóng sập cánh cửa cơ hội dự tuyển vào các trường đại học hàng đầu của nhiều học sinh. Giới chuyên gia cũng cảnh báo, người sử dụng có thể bị phụ thuộc vào AI, ảnh hưởng lớn đến khả năng tự đưa ra quyết định.

Năm 2022, cơ quan chức năng của Israel đã phải xử lý hơn 8.100 sự vụ trên không gian mạng mà nạn nhân là trẻ em. Theo một nghiên cứu, khoảng 90% số trẻ em tại Israel được tiếp cận internet, trong đó có 62% số trẻ em gái lướt mạng ít nhất 4 giờ/ngày. Bởi vậy, giáo dục cho trẻ em về sử dụng mạng an toàn là nhiệm vụ cấp bách đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.

Mới đây, bang Utah trở thành bang đầu tiên tại Mỹ ban hành luật yêu cầu các trang mạng xã hội tăng cường quyền giám sát tài khoản người dùng dưới 18 tuổi cho các bậc cha mẹ.

Ông Michael McKell, một thành viên của đảng Cộng hòa trong cơ quan lập pháp Utah, dẫn số liệu thống kê cho thấy, các ứng dụng mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới trẻ, khiến 30% số nữ sinh trung học tại Mỹ thật sự có ý định tự tử. Ðối với các sản phẩm AI, giới chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là trẻ em phải biết cách tương tác với AI, được bồi dưỡng các kỹ năng như tư duy phản biện và sáng tạo để có thể bổ sung cho AI.

Theo Giáo sư Aimee Roundtree tại Ðại học bang Texas, cần dạy cho trẻ những điều căn bản về AI bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu. Các chuyên gia khẳng định, những người trẻ cần được đào tạo để suy nghĩ nghiêm túc và quyết định cách thức cũng như tần suất, mức độ sử dụng các mô hình AI.

Hoàn thiện luật pháp, chính sách để siết chặt kiểm soát internet nhằm tạo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho giới trẻ là điều cần thiết. Cùng với đó, các bậc cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng để xây dựng "lá chắn" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/la-chan-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-post745176.html
Copy Link
https://nhandan.vn/la-chan-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-post745176.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lá chắn bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO