Ký ức của những chàng trai tuổi đôi mươi căng tràn nhiệt huyết trong một sáng đầu xuân là cảm giác nôn nao, hồi hộp, bịn rịn, thậm chí rơi nước mắt trong ngày hội tòng quân. Bữa đó có cha mẹ, anh chị, bạn bè, cả người yêu nhắn nhủ đủ điều, mỗi người một câu, rồi vẫy tay chào nhau khi lên xe rời quê. Từ đây, bắt đầu cuộc sống mới trong môi trường mới, bên cạnh những người mới gặp trong đời.
Quà của lính. Ảnh: KIM LUẬN |
“Tôi cứ tiếc lúc đó chỉ nắm tay mà không... hôn em ấy một cái để níu giữ “một nửa” trong hai năm xa cách. Gần một năm qua, em ấy không thể từ Đồng Tháp lên Cần Thơ thăm tôi do công việc và đường xa, chỉ liên lạc qua điện thoại lúc cuối tuần. Mỗi lần nói chuyện, em ấy động viên tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nói thiệt, vì tánh tôi không tỉ mỉ nên những ngày đầu bị phạt xếp nội vụ buổi trưa. Dần dần làm tốt, được biểu dương, phấn khởi lắm”, Binh nhất Nguyễn Văn Hoài Phong, chiến sĩ Khẩu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 512, Tiểu đoàn 11 (Lữ đoàn Pháo Phòng không 226) tâm sự. Không chỉ riêng chiến sĩ Phong mà với nhiều chiến sĩ khác cũng trải qua cảm giác này.
Chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9 chuẩn bị quân tư trang chuẩn bị xuất ngũ. Ảnh: QUANG ĐỨC |
Là lính mới thì mọi việc phải học, không phải tự dưng mà biết, mà giỏi; phải rèn luyện thuần thục từ những điều nhỏ nhất để hiện thực hóa những dự định lớn lao hơn. Nếu phần lớn chiến sĩ mới ảnh hưởng tâm lý nhất là bắn súng tiểu liên AK thì Binh nhất Mai Hữu Trọng, chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội Phòng hóa (Sư đoàn 330) lại sợ môn... ném lựu đạn.
“Bởi khi ném nó cứ... quyến luyến không muốn xa tôi. Các nội dung huấn luyện chính trị, đánh thuốc nổ, bơi lội tôi đều đạt khá giỏi; khi ném lựu đạn, tôi vận dụng lý thuyết được học vào thực hành đinh ninh sẽ trình diễn một màn “mẫu” trước đồng đội. Nhưng “Nhân vô thập toàn”, quả lựu đạn rơi cách tôi 10m - một khoảng cách đã “sát thương” sự tự tin và thành tích của tôi. Tôi bị liệt vào danh sách “cần huấn luyện đặc biệt”. Tự trách bản thân kém cỏi và vô dụng, tôi dồn lên đám rau trong lúc tăng gia. Trung đội trưởng Hiệp thấy vậy hỏi: “Cọng cải có lỗi gì mà đồng chí đào hố chôn ngập cả đọt sao nó thở? Đồng chí đừng buồn, ai cũng có điểm yếu, quan trọng là biết cố gắng khắc phục. Ngày mai ra thao trường tôi sẽ bồi dưỡng thêm”. Không chỉ hôm sau mà nhiều bữa sau nữa Trung đội trưởng Hiệp phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” dưới cái nắng gay gắt để huấn luyện giúp tôi kiểm tra nội dung ném lựu đạn đạt khá”, Binh nhất Mai Hữu Trọng hài bước kể.
Những kỷ niệm khó quên trong mỗi suốt cuộc đời quân ngũ của mỗi chiến sĩ. Ảnh: QUANG ĐỨC |
Trong chuyến về Đất Mũi (Cà Mau) vừa qua, không may chiếc xe máy của tôi “bị thương”, phải ghé tiệm ven đường kiểm tra và vá ruột xe. Chủ tiệm Nguyễn Tiểu Xuyên, từng là chiến sĩ Tiểu đội Đại liên, Đại đội 10, Tiểu đoàn 308, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 330) sau khi xuất ngũ được thẻ học nghề đã chọn sửa xe và hành nghề tại quê nhà được 2 năm nay. Nhà anh Xuyên có 8 anh chị em, lúc tình nguyện nhập ngũ vào đúng đơn vị anh trai thứ tư Nguyễn Minh Trí đã thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cũng như đồng đội, anh lưu giữ kỷ niệm khó phai trong những ngày đầu “học ăn, học nói” nhưng sâu đậm nhất là ngày mẹ anh qua đời vì bệnh ung thư, anh được đơn vị hỗ trợ 7 triệu đồng và giải quyết tranh thủ về quê chịu tang mẹ. Trở lại đơn vị, anh phấn đấu hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới đạt giỏi. Những tưởng, niềm đau buồn ấy cất vào ký ức, nào ngờ một nỗi mất mát khác ập đến với người con trai út này.
Tình cảm cán-binh luôn gắn suốt cuộc đời quân ngũ. |
Vừa gắn lại xích xe, anh Xuyên vừa kể: “Sáng 25-9-2021, khi tôi cùng đồng đội thuộc Quân khu 9 tăng cường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 chuẩn bị ngày làm việc mới thì được tin anh Trí của tôi lên thành phố làm công nhân ở quận Tân Bình vừa qua đời do nhiễm virus. Lúc đó tôi ở gần nhưng do dịch bệnh nên không thể qua tiễn anh lần cuối. Chỉ huy và đồng đội gặp gỡ, động viên tôi vượt qua mất mát, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó, tro cốt của anh Trí được Đội K90 (Quân khu 9) tiếp nhận và đưa về quê an táng”.
Những trường hợp không may mất người thân trong đại dịch Covid-19 như anh Xuyên không phải duy nhất, song tất cả đều vượt qua nỗi đau riêng vì nhiệm vụ chung là giữ bình yên cho nhân dân, là niềm hạnh phúc lớn lao của người lính khi gánh vác trọng trách “chống dịch như chống giặc”.
Một hành động nhỏ cũng trở thành kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ. Ảnh: KIM LUẬN |
Tôi nhớ cuối năm 2021, lúc đến Lữ đoàn Pháo Phòng không 226 sau khi đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 có gặp Trung sĩ Trần Duy Khánh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội Tên lửa A72. Theo lời chiến sĩ Khánh, khi đang là sinh viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh năm thứ hai, đồng chí quyết định rời giảng đường về quê tình nguyện nhập ngũ. Chính môi trường này làm thay đổi nhận thức, đồng chí Khánh thấy mình sống có trách nhiệm và xác định hướng đi cụ thể hơn. Và từ một chiến sĩ mới bỡ ngỡ, đồng chí Khánh thể hiện tốt vai trò cán bộ tiểu đội, được chỉ huy tin tưởng, đồng đội quý mến. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí luôn phát huy tinh thần xung kích; giữ nghiêm kỷ luật Quân đội, tình đoàn kết quân dân; cùng đồng đội trong tổ tiến hành lấy hơn 5.300 mẫu xét nghiệm, phát hiện 250 ca dương tính với SARSS-CoV-2, bảo đảm an toàn. Hạnh phúc hơn khi Khánh được kết nạp vào Đảng trong một trường tiểu học mượn tạm ở phường Phú Thuận, quận 7.
Người con của tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Tôi được vinh dự này có lẽ bắt đầu từ năm trước, lúc còn binh nhì. Đó là thời điểm sôi nổi khi tôi tham gia tích cực các phong trào văn nghệ, thi diễn tiểu phẩm, thiết kế bồn hoa, cây kiểng... Vậy nên, khi trở thành đảng viên, tôi hiểu rõ là ngoài ghi nhận những nỗ lực, khẳng định bước trưởng thành còn “kiểm chứng” mục tiêu phấn đấu từ thuở binh nhì của tôi. Mai này xuất ngũ, tôi về quê xin vào công tác ở địa phương, có phát triển lên vị trí nào thì hai năm chiến sĩ mãi là ký ức đẹp không thể quên đã nâng tôi trưởng thành”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo Phòng không 226, Quân khu 9 huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. |
Cũng ở Lữ đoàn Pháo Phòng không 226, câu chuyện của Binh nhất Nguyễn Nhật Nguyên, chiến sĩ Khẩu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 512 (Tiểu đoàn 11) là kỷ niệm về tình đồng chí đồng đội vẫn thiêng liêng, sâu đậm. Là con thứ ba trong gia đình có 5 anh em, sau khi tốt nghiệp lớp 9, đồng chí Nguyên nghỉ học phụ cha làm năm mẫu ruộng vùng Tháp Mười. Tháng 9-2021, cả nhà đồng chí Nguyên bị nhiễm F0, trừ đứa em út bốn tuổi. Giọng Nguyên run run nói: “Lúc đó, Thượng tá Lê Công Hạnh, Chính ủy Lữ đoàn (nay là Chính ủy Sư đoàn 330) trực tiếp xuống đơn vị gặp tôi hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng khiến tôi vô cùng xúc động. Sự quan tâm đó làm tôi nhớ lúc tôi còn là chiến sĩ mới bị sốt phải ăn cháo, các anh quân y chăm sóc tận tình, đồng đội thăm hỏi như người thân. Trong môi trường mới giữa những người xa lạ nhưng rất thương yêu và lo lắng cho nhau, chắc chắn tình cảm đó sẽ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta lớn thêm”.
Còn bao nhiêu câu chuyện về thuở binh nhì được các chiến sĩ cất vào “ngăn ký ức” để lưu giữ riêng mình hoặc chưa có dịp thổ lộ, nhưng nếu được khơi gợi sẽ bật ra như dòng nước tuôn tràn.
Mai này, những chiến sĩ hôm nay lên chức cha chức ông, khi tiễn con cháu nhập ngũ sẽ cảm thấy bồi hồi khi ký ức xưa ùa về lấp lánh, lung linh rồi thốt lên: “Thấy tụi nhỏ đi bộ đội tự dưng nhớ những kỷ niệm thuở mình làm chiến sĩ cứ tươi nguyên”.
HỒ KIÊN GIANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.