Kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển

Hoài Anh| 22/10/2021 08:50

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang.

Con đường huyền thoại

Cách đây 60 năm, ngày 23/10/1961, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay. Với tên gọi “Đoàn tàu Không số”, trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, với sự sáng tạo tài tình, mưu trí, các chiến sĩ  đã vận dụng nhiều cách thức đi biển rất linh hoạt, kết hợp cả các yếu tố vừa công khai vừa bí mật để có thể vận chuyển hàng hóa một cách an toàn mà vô cùng hiệu quả nhằm chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

Ngay từ khi quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược trên biển, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, từ việc khảo sát luồng lạch, trinh sát nắm tình hình, tổ chức lực lượng đi thử nghiệm, xác định tuyến, mở đường và phương thức, phương tiện vận chuyển, đến việc lựa chọn những cán bộ ưu tú, dũng cảm, táo bạo, có kinh nghiệm đi biển để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ vận tải đường biển. Với bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết chiến, quyết thắng; dũng cảm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo dựng nên con đường huyền thoại với biết bao kỳ tích phi thường.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh tư liệu

Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30/4/1975), Đoàn tàu Không số đưa hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường xa - nơi mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa tới, với một số lượng vũ khí còn lớn hơn cả số đưa vào bằng đường bộ trong cùng một thời gian. Đoàn tàu Không số đã đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam… Có được thành tích và chiến công, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhất là sau sự cố của Tàu 143 ở Vũng Rô (tháng 2/1965), con đường vận chuyển bí mật trên biển bị địch phát hiện và dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn, buộc chúng ta phải thay đổi phương thức vận chuyển... Mặc dù địch tập trung mọi phương tiện, trang bị trinh sát hiện đại để ngăn chặn nhưng với bản lĩnh và ý chí kiên cường, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Giai đoạn 1965 - 1972, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 phải đối mặt với những thử thách gay go, ác liệt. Trong đội ngũ trung kiên của Đoàn, xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, huyền thoại, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Tổ quốc

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ chủ yếu lúc này của Đoàn 125 là vận tải cho các tuyến đảo xa vừa mới giải phóng và phục vụ đi lại của cán bộ, Nhân dân 2 miền Nam - Bắc, trong đó nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa được đặt lên hàng đầu. Năm 1975, Bộ Quốc phòng đổi tên Đoàn 125 thành Hải đoàn 125 và sáp nhập vào Lữ đoàn 172. Năm 1976, lần đầu tiên chiến dịch vận chuyển cho quần đảo Trường Sa được thực hiện. Hải đoàn 125 đã huy động 11 lượt tàu, đi 22 chuyến, chở 2.300 tấn hàng ra đảo và làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền, chở các tù chính trị từ đảo Phú Quốc về đất liền an toàn. Từ năm 1976 - 1981, Hải đoàn 125 đã huy động 127 lần chuyến tàu chở 23.214 tấn hàng và 6.696 lượt cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra đảo góp phần tăng cường sức mạnh phòng thủ đảo, ổn định một bước nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời, trong 2 năm (1978 và 1979), Hải đoàn 125 đã tổ chức 48 chuyến, vận chuyển hàng ngàn tấn vật liệu xây dựng công trình chiến đấu, hàng trăm tấn vật chất hậu cần phục vụ sinh hoạt cho bộ đội trên các đảo dọc tuyến Đông Bắc, trọng tâm là đảo Bạch Long Vĩ, Vạn Hoa.

Bến K15 - điểm xuất phát Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, lực lượng vận tải quân sự Quân chủng Hải quân đã tổ chức 139 lần chuyến tàu, chở 19.790 tấn hàng hóa quân sự và 25.151 lượt cán bộ, chiến sĩ ra chiến trường và đổ bộ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế trong chiến dịch Tà Lơn, cùng các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, tái thiết đất nước.

Để phù hợp với nhiệm vụ vận tải chi viện đảo trong tình hình mới, ngày 12/2/1979, Hải đoàn 125 được Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp thành Lữ đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, làm nhiệm vụ vận tải quân sự, đánh dấu một giai đoạn phát triển và trưởng thành mới của đơn vị. Sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế, việc tăng cường khả năng phòng thủ đất nước nói chung và phòng thủ biển, đảo nói riêng, nhất là ở quần đảo Trường Sa được đặc biệt coi trọng. Để nâng cao hiệu quả điều hành công tác vận chuyển cho Trường Sa, bắt đầu từ mùa vận chuyển năm 1981, Quân chủng Hải quân đã áp dụng phương thức khoán khối lượng vận chuyển cho từng tàu và từng hải đội. Phong trào thi đua quay vòng, tăng chuyến, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện đã diễn ra sôi nổi giữa các tàu.

Cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình trên vùng biển quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng và phức tạp. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao, với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu vận tải đã chạy đua với thời gian, vượt qua mọi hiểm nguy, sóng gió; khảo sát, thăm dò, vận tải và chốt giữ đảo, cùng các lực lượng trong Quân chủng tăng cường sức mạnh phòng thủ trên các đảo chìm và đảo nổi. Năm 1988, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng vận chuyển chiến đấu với khối lượng tăng gấp 7 lần so với năm 1987 và hoàn thành kế hoạch vận chuyển 46.300 tấn hàng phục vụ cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, 129.453 tấn hàng phục vụ cho sinh hoạt thường xuyên, đạt khối lượng vận chuyển 44.438.686 tấn (Lữ đoàn 125 đã huy động 318 lần chuyến tàu, vận chuyển 22.564 tấn). Năm 1989, thực hiện Hiệp ước ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia, lực lượng tàu vận tải quân sự Hải quân, trong đó có Lữ đoàn 125 đã hoàn thành thắng lợi 8 đợt vận chuyển quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.

Những năm gần đây, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng được bổ sung hàng chục tàu vận tải đóng mới có trang bị đồng bộ, có trọng tải lớn để thay thế số tàu nhỏ, trọng tải ít.

Từ năm 2000 đến nay, lực lượng vận tải quân sự Hải quân đã vượt qua sóng gió và mọi khó khăn thử thách, vận chuyển hàng triệu tấn hàng, trung bình hằng năm hoàn thành từ 100% đến 105% kế hoạch. Riêng Lữ đoàn 125, từ năm 2011 đến 2020, đơn vị đã tổ chức 385 lần chuyến, chở 293.390 tấn hàng hóa các loại; đưa, đón và phục vụ 2.493 lượt người, hành trình 281.312 hải lý an toàn.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ vận tải biển, các tàu vận tải Hải quân đã tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình. Các tàu vận tải Hải quân còn thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/ky-tich-duong-ho-chi-minh-tren-bien-89723.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/ky-tich-duong-ho-chi-minh-tren-bien-89723.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO