Kỷ niệm của một thời khó phai

Đoàn Nguyễn Hiên| 20/06/2014 08:13

Tôi tập viết từ khi còn học THCS. Thoạt đầu là những bài thơ, đoạn văn ngắn nói về quê hương, gia đình, cha mẹ và những người chị.

Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, khi đã tốt nghiệp trường cấp 3, tôi bắt đầu tập làm báo. Ấy là những mẩu tin, bài nho nhỏ về các phong trào của hợp tác xã vừa thành lập, như: cây giống lúa mới thẳng hàng, ươm nhân bèo hoa dâu làm phân xanh, chăn nuôi heo tập thể và gương những chủ nhiệm, đội trưởng sản xuất, xã viên tích cực, hết mình với hợp tác hóa nông nghiệp.

Tin, bài tôi đều gửi cho tỉnh và thi thoảng trên mặt báo cũng được báo sử dụng. Say sưa ngắm nhìn những tin bài của mình đăng trên mặt báo, tôi không để đâu hết vui mừng, phấn khởi như có một ma lực kì diệu động viên, khích lệ bản thân cố gắng, phấn đấu hơn. Dần dà, tôi được Tòa soạn báo mời hội họp thường kì, cung cấp tài liệu nghiệp vụ báo chí. Đặc biệt, chúng tôi còn được Tòa soạn cấp thẻ cộng tác viên (có dán hình) rất tiện lợi trong việc đi thu thập tin tức.

Quá trình gắn bó với tờ báo tỉnh càng mật thiết, số lượng tin, bài của tôi được Ban biên tập sử dụng ngày càng nhiều hơn. Tôi nhận ra giữa viết văn, làm báo rất khác biệt. Viết văn chủ yếu hư cấu, sáng tạo hình ảnh, hình tượng nhân vật, còn làm báo là phải dựa trên sự thật, một sự thật 100%, thành ra trong khâu khai thác, thu thập tư liệu, tài liệu, người viết phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ, kĩ lưỡng, nếu chỉ sơ suất không chính xác một chi tiết nhỏ là mẩu tin, bài báo của mình đã có vấn đề và như thế thì đâu còn giá trị nữa.

Với tôi, mỗi khi viết về các nhân tố điển hình người tốt, việc tốt, tôi thường tìm cách tiếp cận trực tiếp, có khi một hoặc nhiều lần bởi ngày đó đâu có điều kiện điện thoại di động như bây giờ, ghi sổ tay thật chi tiết, đầy đủ, còn cất công tìm hiểu thêm những người xung quanh, nhất là bộ phận quản lí, lãnh đạo của nhân tố điển hình đó giúp nắm bắt thông tin sẽ chính xác, toàn diện hơn.

Tôi luôn giữ thói quen khi viết xong thường đọc cho Ban lãnh đạo và chính nhân tố điển hình đó nghe để bảo đảm độ xác thực cao, nên rất yên tâm khi bài viết xuất hiện trên báo. Bài đăng rồi, nếu có điều kiện, tôi còn tìm cách gửi tặng tờ báo có bài viết về họ, bắt gặp gương mặt cùng nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện của họ, tôi không để đâu hết sung sướng, tự hào.

Nhiều người cho rằng viết một mẩu tin là dễ dàng như trở bàn tay, nhưng với tôi lại chẳng giản đơn chút nào. Tin phải mang tính thời sự, sốt dẻo, ngắn gọn, chính xác, đầy đủ, tức phải viết, gửi đi khẩn trương, kịp thời để Ban biên tập kịp đăng. Nhiều khi một bản tin dung lượng chỉ vài chục từ cũng đủ khiến người viết nghĩ ngợi căng thẳng. Mặt khác phải hết sức chú ý khâu đặt tựa đề ("tít") sao cho ngắn gọn, vừa cuốn hút, hấp dẫn người đọc.

Để cách viết ngày càng hoàn thiện, khi viết xong, tôi thường đưa cho một số phóng viên chủ chốt nhờ góp ý sửa chữa. Mỗi kì báo mới ra, tôi dành thời gian đọc kĩ tin, bài của các phóng viên dày kinh nghiệm tự nghiên cứu, học hỏi cách viết… Cứ thế tay nghề thêm cứng cáp, chững chạc dần. Ngoài viết cho báo Đảng địa phương, tôi còn mạnh dạn gửi bài cho một số báo trung ương, như các tờ Tiền phong, Cứu quốc (sau đổi thành báo Đại đoàn kết), Quân khu Ba, Tạp chí Thời sự phổ thông… và đều đặn tôi nhận thư từ góp ý động viên.

Bây giờ, dù đã nghỉ hưu hơn chục năm, hàng ngày tôi vẫn không thể nào rời xa được trang giấy cùng cây bút. Mỗi lần đạp xe tới Tòa soạn báo tỉnh nơi tôi cư ngụ, gặp gỡ các anh chị trong Ban biên tập, các phóng viên, nhất là phóng viên trẻ, tay bắt mặt mừng lại càng nhắc nhủ động viên tôi. Nhân kỉ niệm lần thứ 89 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21 tháng 6, tôi ghi lại đôi nét buổi đầu cách nay trên nửa thế kỷ tập sự làm báo của mình, âu cũng là những kỷ niệm của một thời khó phai.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/ky-niem-cua-mot-thoi-kho-phai-32488.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/ky-niem-cua-mot-thoi-kho-phai-32488.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Kỷ niệm của một thời khó phai
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO