Kỷ niệm 39 năm giải phóng Gia Nghĩa-Đắk Nông (23/3/1975-23/3/2014): Ngày ấy, chúng tôi đã vào giải phóng Gia Nghĩa!

Hoàng Hoài| 21/03/2014 14:10

Đó là tâm sự của các ông Nguyễn Thành Chung, Lê Văn Ly, cựu chiến binh hiện ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) khi kể về thời điểm lịch sử đầy hào hùng 39 năm về trước.

ADQuảng cáo

Theo lời ông Nguyễn Thành Chung kể, thì năm 1971, ông tham gia quân đội ở quê nhà Thái Bình và tình nguyện vào Nam chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Tháng 10/1973, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Đức, với nhiệm vụ của người lính trinh sát, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, Bộ Tư lệnh miền Đông.

Từ năm 1973-1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh đuổi địch ở ngã ba Tuy Đức rồi tiến lên Kiến Đức nhằm bao vây không cho quân địch lấn chiếm ra vùng giải phóng. Sau đó, khi các đơn vị bạn được phân công đánh vào Buôn Ma Thuột thì đơn vị ông lại nhận lệnh đánh xuống Nhân Cơ, không cho địch rút về ứng cứu cho Buôn Ma Thuột và chạy về Lâm Đồng.

Từ ngày 20-23/3, khi được tin quân địch có thể bỏ chạy khỏi thị xã Gia Nghĩa thì đơn vị ông đã hành quân cấp tốc vào Gia Nghĩa, phối hợp cùng với các đơn vị khác để giải phóng Gia Nghĩa.

Ông Chung cho biết: “Hành quân vào đến nơi, chúng tôi không ngờ quân địch lại bỏ chạy hết nhanh đến như vậy. Lúc này, chúng tôi sung sướng lắm vì Gia Nghĩa đã được giải phóng. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ làm công tác dân vận, địch vận để ổn định dân cư, củng cố, bảo vệ trị an cho nhân dân.

ADQuảng cáo

Cũng là người từng cầm súng chiến đấu, giải phóng Gia Nghĩa, ông Lê Văn Ly cũng không thể nào quên được những năm tháng gian khổ, ác liệt, nhưng hết sức anh dũng, hào hùng đó. Theo như ông Ly kể thì năm 1966, ông vào bộ đội và tình nguyện vào Nam chiến đấu. Lúc đó, đơn vị ông phải đi bộ từ Thái Nguyên vào chiến trường Quảng Đức. Trong quá trình hành quân, ông bị sốt rét rừng, nên phải nằm trú tại Trạm X5 (Đắk Song) và sau bổ sung về Ban hành lang tỉnh Quảng Đức.

Năm 1967, ông lại bổ sung về đơn vị đặc công C90 và đánh tập kích vào các cơ quan đầu não của địch nhằm gây hoang mang và giữ chân địch ở Gia Nghĩa. Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh vào sân bay Gia Nghĩa và trong trận này, ta đã tiêu diệt được khoảng 100 tên địch, phá hủy 2 máy bay…

Từ năm 1971-1972, đơn vị ông tham gia đánh giặc tại địa bàn xã Đạo Nghĩa, sau đó về lại Lâm Đồng và C90 sát nhập vào Lâm Đồng. Riêng trung đội của ông thì về lại Khiêm Đức và sát nhập với một số đơn vị khác thành C794 do ông làm đại đội trưởng, có nhiệm vụ đánh vào các vị trí đầu não của địch ở Gia Nghĩa, phát động phong trào và làm công tác dân vận, địch vận.

Ngày 10/3/1975, khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, quân địch ở khu vực Gia Nghĩa rúng động, hoang mang, bỏ chạy theo đường về Lâm Đồng, đơn vị ông Ly lại có nhiệm vụ đón dân, tuyên truyền, vận động dân không nên chạy theo địch, tránh thương vong. Đến tối 22/3/1975, đơn vị ông được lệnh bắt liên lạc với quân chủ lực đang tiến vào Gia Nghĩa và đến sáng 23/3, thì cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng Quảng Đức, giải phóng hoàn toàn Gia Nghĩa.

Ông Ly cho biết: “Gia Nghĩa giải phóng, tôi không về quê mà tiếp tục ở lại đây công tác trong quân đội và đến năm 1980 thì chuyển ngành. Chúng tôi rất mừng là với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thị xã Gia Nghĩa bây giờ đã khang trang, đẹp đẽ hơn, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, phát triển đi lên”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 39 năm giải phóng Gia Nghĩa-Đắk Nông (23/3/1975-23/3/2014): Ngày ấy, chúng tôi đã vào giải phóng Gia Nghĩa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO