Chính trị

Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2023): Người đưa ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam

PV 05/06/2023 05:46

Cách đây 112 năm, ngày 5/6/1911, từ Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Sau 30 năm, Người đã mang về ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam.

ADQuảng cáo
dji_0612(1).jpg
Bến cảng Nhà Rồng, TP.Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân

Ngày 5/6/1911 với tên mới Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

Trong 10 năm, từ năm 1911 - 1920, Người tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Versailles yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Bản yêu sách gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa; đồng thời đem lại cho Người một nhận thức là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của chính mình.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo ở Pháp. Luận cương của Lênin đến với Nguyễn Ái Quốc như một luồng ánh sáng mới soi rõ thêm con đường cứu nước mà người thanh niên yêu nước đang tìm kiếm. Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc xác định rõ con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam tại hải ngoại. Với sự kiện này, một chặng đường hoạt động cách mạng mới, một con đường đấu tranh mới để thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu. Đây là mốc đánh dấu bước chuyển biến về chất trong nhận thức tư tưởng, lập trường chính trị của Người từ một người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản.

Bắt đầu một chặng đường mới, Nguyễn Ái Quốc không chỉ đấu tranh cho sự giải phóng của dân tộc mình, Người còn đấu tranh cho sự giải phóng của các dân tộc thuộc địa và nhân loại cần lao. Xác định cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa thuộc phạm trù của cách mạng vô sản, là một bộ phận khắng khít của sự nghiệp cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh sự ảnh hưởng, mối liên hệ chặt chẽ giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc. Cũng từ hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ vấn đề quan trọng đặt ra cho các nước thuộc địa ở phương Đông là đấu tranh giành độc lập dân tộc. Phải có độc lập dân tộc mới có thể tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ, sự nghiệp giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội. Cả hai cuộc cách mạng đó đều là sự nghiệp của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

"Trong Luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang
nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn
tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba".

Nguyễn Ái Quốc

Chuẩn bị tích cực cho cách mạng Việt Nam

Từ năm 1921 - 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh Niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ thông qua việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô...

Từ ngày 3 - 7/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi, trí tuệ, uy tín, đạo đức cách mạng và sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới vô cùng oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc đặt bước chân đầu tiên về với Tổ quốc tại cột mốc 108 Hà Quảng, Cao Bằng. Tháng 5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị đã xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Việc hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thành lập chính thể dân chủ cộng hoà phù hợp với tình hình mới đã thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, tính khoa học đúng đắn, tính cách mạng sáng tạo của Hội nghị Trung ương 8 dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc. Những quyết định kịp thời, tài tình của Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng tại hội nghị này đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng, góp phần to lớn vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. "Tuyên ngôn độc lập" là một văn bản pháp lý mang giá trị đặc biệt, khẳng định với thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam hiện đại, chấm dứt chế độ phong kiến chuyên chế phản động, chấm dứt hàng trăm năm nô lệ, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do. Đó là kết quả của một hành trình tìm đường cứu nước và thực tiễn đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ trở thành công dân của một nước độc lập, đồng thời mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng với ánh sáng soi đường là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2023), nhớ về Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đắk Nông đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2023): Người đưa ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO