Ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 21-23/6 được coi là bước ngoặt cho quan hệ song phương, mở ra cơ hội hợp tác sâu hơn trên nhiều lĩnh vực, trong đó thương mại đầu tư là một trong những lĩnh vực trọng điểm.
Quan hệ kinh tế đang “bùng nổ”
Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đã đạt được những động lực đáng kể trong hai năm qua.
Kể từ năm tài chính 2021-2022, Mỹ đã là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, vượt qua tổng khối lượng thương mại của Ấn Độ với các đối tác thương mại truyền thống như Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với kim ngạch hai chiều tăng từ 80,51 tỷ USD trong năm tài chính 2020-2021 lên 119,5 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022.
Hiện nay, thương mại song phương của Ấn Độ với Mỹ cũng ghi nhận mức tăng đáng kể 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ước tính tạm thời từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy giá trị thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn duy trì ổn định với mức tăng 7,65% lên 128,55 tỷ USD trong tài khóa 2022-2023.
Trong số ít đối tác thương mại lớn mà Ấn Độ chia sẻ thặng dư thương mại, phần thặng dư với Mỹ là lớn nhất.
Trong tài khóa 2020-2021, Mỹ cũng là quốc gia đứng thứ hai về vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ, với mức đóng góp 17,94% trong tổng số vốn FDI.
Trong diễn đàn chính sách thương mại song phương được tổ chức hồi tháng 11/2021, cả Mỹ và Ấn Độ đều nhất trí tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho một loạt sản phẩm nông nghiệp.
Mỹ đồng ý xem xét đề xuất của Ấn Độ về việc phục hồi cơ chế ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), nới lỏng quy định đối với xoài và lựu nhập khẩu từ Ấn Độ vào đầu năm 2022.
Ngược lại, Ấn Độ cũng có động thái tương tự với quả cherry, cỏ khô và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ.
Nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư song phương
Trong bối cảnh trên, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Modi có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai quan hệ thương mại song phương.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bên cạnh tuyên bố chung gồm 58 điểm, Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden đã đạt được hàng loạt thỏa thuận, mở ra triển vọng nâng tầm quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư song phương trong thời gian tới.
Thủ tướng Narendra Modi gặp Giám đốc điều hành General Electric H. Lawrence Culp Jr. (Nguồn: PTI)
Hai nhà lãnh đạo đã hoan nghênh việc ký kết Biên bản ghi nhớ mang tính bước ngoặt giữa General Electric và Hindustan Aeronautics Limited để sản xuất động cơ phản lực GE F-414 ở Ấn Độ, mở đường cho những thỏa thuận chuyển giao công nghệ động cơ phản lực của Mỹ trong tương lai và ràng buộc ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước trong nhiều năm tới.
Tàu hải quân của Mỹ trong khu vực sẽ có thể cập cảng ở nhà máy đóng tàu Ấn Độ để sửa chữa theo thỏa thuận hàng hải, và Ấn Độ sẽ mua máy bay không người lái có trang bị vũ khí MQ-9B SeaGuardian do Mỹ sản xuất.
Về công nghệ, hai nhà lãnh đạo khẳng định công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh việc hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, về Quan hệ đối tác đổi mới và đặc biệt là thông báo của tập đoàn Micron Technology với kế hoạch đầu tư 825 triệu USD để xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Ấn Độ.
Hãng chế tạo công cụ bán dẫn Applied Materials của Mỹ cũng sẽ đầu tư 400 triệu USD trong 4 năm vào một trung tâm kỹ thuật mới tại Ấn Độ.
Về chuyển đổi năng lượng sạch, Mỹ và Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn chung và đầy tham vọng nhằm nhanh chóng triển khai năng lượng sạch trên quy mô lớn, xây dựng sự thịnh vượng kinh tế và giúp đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Hai nước đã khởi xướng Kế hoạch hành động về công nghệ năng lượng tái tạo mới và mới nổi giữa Mỹ và Ấn Độ, thúc đẩy hợp tác phát triển hydro xanh, khai thác năng lượng gió ngoài khơi và trên bờ, cũng như các công nghệ mới nổi khác.
Một công ty mới do hãng sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời Vikram Solar của Ấn Độ hậu thuẫn thông báo sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời Mỹ, đầu tiên là xây một nhà máy tại bang Colorado trong năm 2024.
Về khoáng sản quan trọng, Ấn Độ đồng ý tham gia sáng kiến Đối tác An ninh khoáng sản (MSP) do Mỹ dẫn đầu nhằm tạo ra chuỗi cung ứng cho nguồn nguyên liệu này. Có 12 nước khác và Liên minh châu Âu (EU) tham gia sáng kiến này.
Bên cạnh đó, công ty Epsilon Carbon của Ấn Độ sẽ đầu tư 650 triệu USD xây dựng nhà máy về linh kiện pin xe điện, thuê hơn 500 nhân viên trong 5 năm.
Theo Nhà Trắng, sau khi được phê chuẩn, cơ sở này sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của Ấn Độ vào ngành pin xe điện của Mỹ.
Về phát triển toàn cầu, là hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Ấn Độ là những đối tác không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng, trật tự kinh tế tự do, công bằng và dựa trên luật lệ trên toàn thế giới.
Hai bên đã đồng ý chấm dứt 6 tranh chấp thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến pin Mặt Trời và môđun năng lượng Mặt Trời, lĩnh vực năng lượng tái tạo, các sản phẩm thép và nhôm. Ấn Độ cũng đồng ý dỡ bỏ thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ như đậu xanh, đậu lăng và hạnh nhân.
Ngược lại, Mỹ sẽ nới lỏng các quy định về cấp và gia hạn thị thực cho những người lao động Ấn Độ có trình độ và tay nghề.
Giới phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Modi được mô tả là “một bước đi quan trọng” trong chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia.
Chuyến thăm cũng là cơ hội để củng cố quan hệ hợp tác thương mại song phương cũng như trong các diễn đàn thương mại đa phương như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thu hút nhiều chú ý trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức. Chuyến thăm có thể không chỉ truyền năng lượng mới vào quan hệ hai nước mà còn tác động đến kinh tế toàn cầu./.