Biển đảo Việt Nam

Kỳ II: Điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển

Thanh Hằng 04/07/2023 17:15

Quần đảo Trường Sa có vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo, những ngư dân đánh bắt thủy hải sản cũng là nhân tố góp phần vào việc gìn giữ “phên dậu” của Tổ quốc.

thumb.jpg

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Hải quân Nhân dân Việt Nam năm 1961 như kim chỉ nam, nhắc nhở lực lượng Hải quân, nhắc nhở tất cả người dân Việt Nam phải có trách nhiệm giữ gìn chủ quyền, sự bình yên của Tổ quốc.

cover-2.jpg

Quần đảo Trường Sa có vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo, ngư dân đánh bắt thủy hải sản cũng là nhân tố góp phần vào việc gìn giữ phên dậu của Tổ quốc.

tit-phu-1(2).jpg

Vượt hàng trăm hải lý, chúng tôi đến với đảo Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Tại đây, vào năm 2016, Hải đoàn 129 Hải quân Việt Nam đã đưa vào vận hành Trung tâm Hậu cần – Kỹ thuật nhằm hỗ trợ các ngư dân trong quá trình đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển của Việt Nam. Từ đó đến nay, trung tâm trở thành “mái nhà chung” của các tàu, thuyền đánh bắt trên vùng biển xa bờ của Tổ quốc.

c19925641075c02b9964(1).jpg
Âu tàu trên đảo Đá Tây A có sức chứa hàng trăm tàu thuyền.

Đại úy Lê Văn Hiệu, Chỉ huy trưởng Trung tâm Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn cho biết, mỗi khi gặp khó khăn, bất trắc, ngư dân luôn tìm đến trung tâm để được hỗ trợ, giúp đỡ. Các dịch vụ được cung cấp tại đây đều có giá bằng với giá trên bờ.

Trong những năm qua, đây là nơi để ngư dân thường xuyên tới tránh bão hoặc sửa chữa tàu, thuyền miễn phí khi gặp sự cố, cấp phát nước ngọt cho người dân.

Khi có người ốm đau hoặc gặp tai nạn trong quá trình khai thác thủy sản, người bệnh được đưa đến đây để sơ cấp cứu, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng trước khi được đưa về bờ tiếp tục điều trị.

hinh-4(1).jpg
Các âu tàu trên đảo là nơi tránh trú bão cho ngư dân hành nghề trên biển.

“Quý I năm 2023, có 2 trường hợp ngư dân bị tai biến, chúng tôi đã điều trị tạm thời cho bệnh nhận, sau đó dùng trực thăng để đưa người bệnh về đất liền an toàn. Thông qua những việc làm thiết thực này, tình cảm giữa ngư dân và cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật trên đào ngày càng khăng khít, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc ngư trường trên Biển Đông”, Đại úy Lê Văn Hiệu thông tin.

Năm 2005, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần nghề cá (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Đảo Đá Tây A bắt đầu đi vào hoạt động.

hinh-7(1).jpg
Trung tâm Dịch vụ Hậu cần nghề cá tại Đảo Đá Tây A.

Trải qua gần 2 thập kỷ, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của trung tâm ngày càng hiện đại, đầy đủ. Mỗi ngày, trung tâm này tiếp nhận, cung cấp dịch vụ cho hàng trăm tàu thuyền và trở thành 1 trong số những “siêu thị” lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.

Ông Nguyễn Tư Lúa, Quản đốc phân xưởng sản xuất đá, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A khái quát, đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho khai thác thủy sản của bà con ngư dân Việt Nam, nhận sửa các tàu thuyền bị hư và cứu nạn - cứu hộ trên biển.

ky-2_hinh-2(1).jpg
Phân xưởng sản xuất đá, mỗi ngày đơn vị cung cấp trên 800 cây đá cho ngư dân.

Chỉ tính riêng phân xưởng sản xuất đá, mỗi ngày đơn vị cung cấp trên 800 cây đá cho ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ đánh bắt tại ngư trường quần đảo Trường Sa dài này. Đá được sản xuất tại phân xưởng là đá nước ngọt, được bán tương đương với giá tại đất liền.

“Đây là ngư trường xa bờ, mỗi lần ngư dân dân đi biển chi phí tốn rất nhiều nên trung tâm đi vào hoạt động đã giúp ngư dân bám biển lâu ngày. Bên cạnh việc cung cấp đá cây, dầu máy, các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm bằng giá đất liền, nhiều ngư dân khi cập âu tàu còn được cung cấp nước ngọt miễn phí khi có nhu cầu; đồng thời hỗ trợ kéo tàu cá của ngư dân bị hư hỏng vào âu tàu và miễn công sửa chữa”, ông Lúa cho biết thêm.

tit-phu-2(2).jpg

“Vươn khơi, bám biển” có lẽ là cụm từ quen thuộc trong nhiều năm qua. Trong ý thức của mỗi ngư dân, bám biển không chỉ là tìm kế sinh nhai, là phát triển kinh tế hộ gia đình, bám biển còn là trách nhiệm góp sức mình vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

hinh-tit-2(2).png

Trong phút giây ngắn ngủi trao đổi cùng phóng viên tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A, ngư dân Võ Thành Trọng, chủ tàu cá BTh 98997 cho biết, từ ngày có trung tâm dịch vụ, việc khai thác thủy sản hiệu quả và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.

“Được mua đá, nhiên liên và hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền khi hỏng với giá như giá tại đất liền, ngư dân chúng tôi càng yên tâm, vững lòng để hành nghề trên biển. Cũng thông qua sự hỗ trợ tích cực này, chúng tôi càng ý thức được việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, anh Trọng cho hay.

img_3227(1).jpg
Ngư dân được cung cấp nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu theo đơn giá của đất liền.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tàu cá BTh 9765915 chia sẻ, ngư trường Trường Sa là vùng đánh bắt truyền thống của các ngư dân, mỗi chuyến đánh bắt thường kéo dài khoảng hai tháng.

Trước đây, khi hết nhiên liệu hoặc tàu thuyền bị hỏng, tàu cá của ông Hưng phải quay về bờ hoặc nhờ tàu khác lai dắt vào bờ. Thế nhưng hiện nay một số đảo đã xây dựng được âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần, nhờ đó ông Hưng tiết kiệm được thời gian, chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt.

“Nhiều năm đánh bắt thủy sản tại vùng biển Trường Sa, chúng tôi rất vui khi Nhà nước đã đầu tư, xây dựng các âu neo đậu tàu thuyền, giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân trong quá trình vươn khơi, bám biển”, ngư dân Nguyễn Thái Hưng cho biết thêm.

ky-2_hinh-4(1).jpg
Từ ngày có trung tâm dịch vụ, việc khai thác thủy sản hiệu quả và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.

Năm 2005 tận dụng lợi thế như lòng hồ tự nhiên ở cụm đảo Đá Tây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên thềm san hô với diện tích 7,5 ha, âu tàu rộng 13 ha.

Bên cạnh khu vực âu tàu có sức chứa lên đến 200 tàu thuyền, trung tâm còn có nhà tránh trú bão an toàn cho ngư dân với sức chưa lên đến 1.000 người.

Ông Vũ Trí Thuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A: “Mỗi khi vào đây được tránh, trú bão, ngư dân được cung cấp nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu theo đơn giá của đất liền, sửa chữa tàu thuyền miễn phí. Đây là hậu phương vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển, bà con Nhân dân có điều kiện để phát triển kinh tế, góp sức bảo vệ vùng biển quê hương”.

tit-phu-3(2).jpg

Tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mỗi ngày có trung bình khoảng 20- 40 tàu cá Việt Nam hoạt động, chủ yếu là tàu cá của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên.

ky-2_hinh-1(1).jpg
Tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mỗi ngày có trung bình khoảng 20- 40 tàu cá Việt Nam hoạt động.

Thời gian qua, bà con ngư dân cơ bản chấp hành các quy định về Luật Thủy sản và không có trường hợp nào ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.

Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa có 6 âu tàu được xây dựng tại đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây. Theo lộ trình, những âu tàu ở các đảo này sẽ được hiện đại hóa, đủ sức chứa hàng ngàn tàu lớn nhỏ đến trú tránh bão.

Trong quá trình các tàu vào tránh trú, bổ sung nhiên liệu, lương thực thực phẩm, cán bộ, nhân viên tại các âu tàu, trung tâm dịch vụ đã tích cực vận động bà con lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không dùng dụng cụ đánh bắt thủy hải sản tận diệt, không vi phạm pháp luật…

Bên cạnh đó, các đơn vị còn cấp phát tài liệu, tuyên truyền, vận động ngư dân chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU).

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa đánh giá, huyện đảo Trường Sa là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển của nước ta. Hiện nay, các khu dịch vụ hậu cần hoạt động rất hiệu quả ở đảo, ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác thủy hải sản, giúp nâng cao hiệu quả và lợi nhuận vươn khơi.

Chủ tịch UBND huyện Trường Sa khẳng định, âu tàu đã trở thành điểm tựa, địa chỉ tin cậy vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

hinh-6(1).jpg

Bài, ảnh: Thanh Hằng

(Còn nữa)

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Kỳ II: Điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO