Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Kỳ 2: Hiến kế nâng tầm đại biểu HĐND

Nguyễn Hiền 15/11/2023 08:49

Tại Hội nghị Thường trực HĐND 2 cấp tỉnh Đắk Nông lần thứ 4, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, nhiều đại biểu chia sẻ, hiến kế để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp.

bia-xay-dung-dang-14-.png

Tại Hội nghị Thường trực HĐND 2 cấp tỉnh Đắk Nông lần thứ 4, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, nhiều đại biểu chia sẻ, hiến kế để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp.

1(1).png

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của đại biểu HĐND các cấp vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, đa số đại biểu kiêm nhiệm còn chưa cân đối hợp lý thời gian, tâm sức trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị với nhiệm vụ của đại biểu dân cử. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND sau khi được bầu chưa được tổ chức nhiều...
Theo đại biểu Lê Quốc Đông, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Nông, hiện nay một số đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều. Từ đó, việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xây dựng cơ bản còn có nội dung chưa sâu. Trong các kỳ họp, phần nhiều các ý kiến phát biểu tập trung vào các kiến nghị cử tri, chưa có giải pháp cụ thể.

dsc05018-1-.jpg
Cử tri kiến nghị cần quan tâm đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại buổi tiếp xúc cử tri tại xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) trước Kỳ họp thứ 6

Còn theo ông Bùi Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Bình (Đắk Song), hiện nay, chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều. Một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động chất vấn. Một số đại biểu chưa sắp xếp công việc, thời gian để tham dự đầy đủ các kỳ họp, tiếp xúc cử tri của HĐND nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời tình hình và những vướng mắc của địa phương, người dân với cơ quan chức năng. Từ đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Tiến, trước hết do lĩnh vực hoạt động của HĐND rất rộng, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức tổng quát và kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, việc lựa chọn ứng cử viên để bầu cử đại biểu HĐND còn nặng về cơ cấu. Đại biểu ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin nên việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri trong tiếp xúc cử tri còn hạn chế, thiếu tự tin trong chất vấn.

img_5747-1-.jpg
Cử tri Nguyễn Duy Ánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trúc Sơn ý kiến về việc lắp đặt điện tại thôn 6, lắp đặt biển cảnh báo giao thông trên địa bàn xã Trúc Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7 khóa IV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại xã Trúc Sơn (Cư Jút)

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực HĐND 2 cấp tỉnh Đắk Nông lần thứ 4, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức tại huyện Đắk Song, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông nhìn nhận, thực tế cho thấy, có đại biểu biết nhưng không nói, thiếu trách nhiệm. Nếu đại biểu không quan tâm vai trò của mình là gì thì không nắm được cơ sở, không nắm được vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm. Thậm chí hiện nay có đại biểu không phân biệt được giữa ý kiến và chất vấn. Việc tham gia chất vấn hiện nay chủ yếu là các đại biểu chuyên trách. "Dù cho tập huấn, bồi dưỡng nhưng nếu bản thân đại biểu thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến vai trò, chức trách của mình thì không bao giờ chất vấn cũng như thực hiện vai trò của mình tốt được”, đồng chí Lưu Văn Trung nhấn mạnh.

phat-ngon-dong-chi-luu-van-trung(1).png
2(2).png

Để nâng tầm đại biểu HĐND, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài ý thức, trách nhiệm, tinh thần học hỏi tự nâng cao kiến thức, kỹ năng thì đại biểu cũng cần được tham gia nhiều hơn các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. HĐND các cấp cũng cần xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, thực hiện đánh giá, khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ đại biểu phát huy vai trò của mình.

anh-1-1-.jpg
Đại biểu HĐND 2 cấp tỉnh và huyện tiếp xúc với cử tri 4 xã của huyện Cư Jút

Đại biểu Lê Quốc Đông, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh cho rằng: “Để phát huy vai trò người đại biểu thì trước hết đại biểu đó phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trước Nhân dân, cử tri. Từ đó, đại biểu sẽ có động lực và có những giải pháp thực hiện được sứ mệnh của mình với cử tri, Nhân dân theo lời hứa khi ứng cử. Đại biểu phải xây dựng cho mình bản lĩnh, tích cực phát biểu ý kiến để xây dựng vì cái chung, vì sự phát triển. Muốn làm được điều đó đòi hỏi đại biểu phải am hiểu đa lĩnh vực, áp dụng kiến thức, hiểu biết để vận dụng vào những vấn đề thực tiễn”.

ky-2.png

Đồng quan điểm, theo đại biểu Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, ngoài việc hiểu rõ sứ mệnh, vai trò, trách nhiệm của mình thì đại biểu phải thường xuyên theo dõi các vấn đề diễn ra ở địa phương, lắng nghe được tất cả những khó khăn, vướng mắc trong đời sống thực tiễn. Trên cơ sở đó, với cấp độ vai trò của mình, đại biểu sẽ tham mưu hiến kế cho HĐND, địa phương ban hành những chính sách phù hợp nhất. Đại biểu phải nghiên cứu, nắm "kim chỉ nam" trong các văn bản của Chính phủ, của Đảng, pháp luật Nhà nước để làm cơ sở đối chiếu với thực tế; nhận biết được những vấn đề bất cập trong công tác quản lý và thực hiện của các cơ quan chính quyền. "Mỗi đại biểu có cách tiếp cận khác nhau, nhưng điểm chung vẫn là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nuớc với cử tri, Nhân dân. Một vấn đề có nhiều đại biểu cùng đồng lòng lắng nghe để làm “cầu nối”, phản ánh thì hiệu quả sẽ cao hơn” ông Nguyễn Đức Hải cho hay.

img_8909-1-.jpg
Phần lớn các ý kiến chuyên sâu tại phiên chất vấn của các kỳ họp HĐND là của đại biểu chuyên trách.

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực HĐND 2 cấp tỉnh Đắk Nông lần thứ 4, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức tại huyện Đắk Song, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, các hoạt động của HĐND như chất vấn, trả lời chất vấn, chất lượng thẩm tra, công tác tiếp xúc cử tri… muốn phát huy hiệu quả thì yếu tố cốt lõi vẫn là con người. Tự thân mỗi đại biểu xác định rõ vai trò, nâng cao trách nhiệm của mình đối với các hoạt động của HĐND và với cử tri, Nhân dân. Thường trực HĐND các cấp phải thường xuyên quán triệt đầy đủ nhiệm vụ cho đại biểu, trước hết là nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người. Các tổ đại biểu HĐND phải phân công cho đại biểu kiêm nhiệm trong tổ tham gia ý kiến, chất vấn để phát huy hết tinh thần trách nhiệm. Nếu để đại biểu tự nguyện sẽ dẫn đến việc không tự giác chất vấn hoặc chất vấn nhưng chất lượng không bảo đảm, không đúng mục tiêu yêu cầu.

img_8660-1-.jpg
Đại biểu cần tăng cường đi thực tế, nắm bắt thực tiễn để lắng nghe cũng như chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cử tri

Bên cạnh đó, hiện nay Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Trung ương sẵn sàng hỗ trợ, bồi dưỡng đối với đại biểu dân cử từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Do đó, Thường trực HĐND các huyện, thành phố sớm xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND huyện, HĐND xã, phường, thị trấn.

Nội dung, ảnh: Nguyễn Hiền

Trình bày: NH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ 2: Hiến kế nâng tầm đại biểu HĐND
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO