Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô, trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện có bước phát triển tích cực.
Nhân công của Công ty TNHH MTV Thanh Nga (Krông Nô) vận chuyển cà phê vào máy sơ chế |
Trên địa bàn huyện hiện có 38 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Huyện có hơn 100 cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô cho biết, việc phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn huyện, một số doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như cà phê, lúa, hồ tiêu, cây ăn quả,... đã đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, đổi mới công nghệ trong sơ chế, chế biến. Điều này giúp các đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, HTX như: Công ty TNHH MTV Lang Tú, Công ty TNHH MTV Lê Thị Trường, Công ty TNHH MTV Đồng Lợi, Công ty TNHH Thiên Thành Đắc, HTX Tin True, HTX NN Buôn Choáh… đều đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến hàng hóa.
Còn các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng đã đáp ứng một phần nhu cầu về sấy cà phê; xay sát gạo, bắp; sản xuất than củi... Đầu tư máy móc, công nghệ góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những mặt đạt được, khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Nô còn gặp một số hạn chế. Đó là quy mô sản xuất nhỏ, trang thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chưa bảo đảm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Địa phương chưa có những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung chuyên canh để mở rộng thị trường. Do đó, hàng hóa trên địa bàn huyện chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, chưa hình thành được chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Để thực hiện giải pháp thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, theo ông Doãn Gia Lộc, trong thời gian tới, huyện có nhiều định hướng.
Trước hết, huyện hướng tới phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Huyện sẽ hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cùng với việc đẩy mạnh tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các HTX, doanh nghiệp, huyện tăng cường hợp tác giữa 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối), tạo liên kết trong chuỗi giá trị.
Khâu tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ nông sản sẽ được huyện thực hiện một cách bài bản, hiệu quả hơn. Huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với vùng sản xuất và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…