Krông Nô tạo sinh kế cho cho lao động nông thôn
Huyện Krông Nô đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho người lao động, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Thu nhập ổn định sau học nghề
Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề nấu ăn trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Krông Nô tổ chức, chị Lữ Thị Lan, dân tộc Mường, thôn Buôn Choáh, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô đã cải thiện được cuộc sống gia đình.
Chị Lữ Thị Lan tâm sự: "Trước đây, vợ chồng tôi chỉ có hơn 3 sào cà phê, thu nhập bấp bênh nên phải đi làm thuê đủ nghề để trang trải cuộc sống. Nghe thôn trưởng tuyên truyền về lớp dạy nghề nấu ăn, tôi quyết định đăng ký học với hy vọng có thêm kỹ năng và cơ hội việc làm ổn định. Sau 3 tháng học, tôi được cấp chứng chỉ nghề, biết nấu nhiều món ngon và được một dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn xã nhận vào làm. Mỗi tháng, tôi có thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, có thêm điều kiện để chăm lo cho con".

Chị Hà Thị Đức, dân tộc Mường, thôn Buôn Choáh, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô đã tìm thấy cơ hội phát triển bản thân nhờ khóa học nấu ăn.
"Gia đình tôi chuyển đến huyện Krông Nô lập nghiệp từ năm 2000. Từ nhỏ, tôi đã thích nấu ăn. Khi Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Nô mở lớp dạy nghề nấu ăn, tôi liền đăng ký tham gia. Trong quá trình học, tôi được hướng dẫn cách sơ chế thực phẩm, chế biến món ăn và bảo quản an toàn thực phẩm. Nhờ những kiến thức và kỹ năng học được, tôi mạnh dạn mở dịch vụ tiệc cưới tại địa phương. Không chỉ tự tạo việc làm cho bản thân, tôi còn có thể giúp đỡ hơn 10 lao động địa phương, mỗi người có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/ tháng. Tôi cảm thấy rất vui vì vừa được theo đuổi đam mê, vừa góp phần tạo việc làm cho người dân trong thôn, xã”, chị Hà Thị Đức cho hay.

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ dân tộc thiểu số (DTTS) được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Bên cạnh nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện còn trích một phần ngân sách để tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng; trong đó, tập trung vào các ngành nghề phi nông nghiệp.
Chương trình đào tạo hướng đến việc đa dạng hóa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động và yêu cầu của các doanh nghiệp. Đối với lực lượng lao động nữ, trẻ, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã triển khai nhiều lớp học nghề phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Năm 2024, huyện Krông Nô tổ chức đào tạo 10 lớp nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 325 học viên là lao động nông thôn trên địa bàn. Trong đó, số lượng học viên nữ chiếm 238 người, học viên nam 87 người. 100% học viên tham gia các lớp đào tạo đều là dân tộc thiểu số.
Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Nô, cho biết, năm 2024, trung tâm tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành khóa học, phần lớn lao động có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng vào sản xuất, kinh doanh tại nông hộ, tự tạo việc làm hoặc mở cơ sở kinh doanh, dịch vụ, qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, 100% lao động sau đào tạo đều được các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện tiếp nhận làm việc với mức thu nhập ổn định.
Giúp lao động nông thôn ổn định việc làm
Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, huyện Krông Nô triển khai nhiều biện pháp thiết thực, huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tập trung đổi mới chương trình dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo lao động nông thôn.
Một trong những giải pháp quan trọng là điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch phù hợp. Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: qua hệ thống truyền thanh; các cuộc họp, hội nghị ở thôn, bon; treo panô, băng rôn...
.jpg)
Hàng năm, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ngày hội việc làm; liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động tiếp cận thông tin đào tạo nghề, tạo cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường.
Cùng với đào tạo nghề, huyện chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư, tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được triển khai theo hướng tăng cường thực hành, ứng dụng thực tế, giúp lao động nông thôn nâng cao tay nghề, áp dụng hiệu quả vào sản xuất.
.jpg)
Nhờ những nỗ lực trên, công tác đào tạo nghề tại huyện Krông Nô đã có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Đặc biệt, nhiều lao động thuộc diện chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sau khi học nghề đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Một số lao động đã áp dụng hiệu quả kiến thức học được vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2022-2024, từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Krông Nô đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề với 595 học viên thuộc 6 xã tham gia. Các ngành nghề đào tạo đa dạng như sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, nấu ăn, kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, kỹ năng giao tiếp du lịch, phục vụ buồng phòng… với 2 hệ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng. Kinh phí thực hiện đạt 7.139/9.345 triệu đồng, tương đương 76% kế hoạch vốn giao.
T heo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều lớp đào tạo nghề thu hút đông đảo học viên nhờ sát với thực tế và yêu cầu thị trường lao động.
"Xác định công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, huyện Krông Nô đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức thêm nhiều lớp đào tạo nghề, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện", ông Danh thông tin.

Thời gian tới, huyện Krông Nô sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Huyện quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế, chú trọng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động nhằm kết nối cung - cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trong và ngoài huyện.