Krông Nô linh hoạt triển khai thực hiện Ðề án 05

Hoàng Hoài| 01/11/2022 10:14

Thời gian qua, thực hiện Đề án 05-ĐA/TU, ngày 5/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tỉnh Đắk Nông, Đảng bộ huyện Krông Nô đã cụ thể hóa đề án phù hợp với thực tế địa phương, bước đầu mang lại những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, việc làm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

Kỳ 1: Chú trọng nâng cao nhận thức chính trị và tư tưởng

Đảng bộ huyện Krông Nô xác định, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những cách làm để từng bước đưa Đề án 05 đi vào cuộc sống.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Đề án 05, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Nô đã cụ thể hóa thành Kế hoạch số 73, ngày 24/9/2018 để triển khai thực hiện trong tất cả các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Huyện ủy mở lớp học tập, quán triệt các nội dung Đề án 05 cho đội ngũ cán bộ chủ chốt với 187 người tham gia. Các TCCS đảng, Mặt trận, đoàn thể phối hợp mở 22 lớp với 2.653 người tham gia. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng đều đưa nội dung Đề án 05 vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng và chuyên đề.

Tại Đảng bộ xã Đắk D’rô, để Đề án 05 thực sự thấm nhuần trong tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, Đảng ủy xã đã xây dựng những cách thức tuyên truyền phù hợp. Đồng chí Lê Thị Minh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk D’rô chia sẻ: “Đảng ủy xã xem việc triển khai thực hiện Đề án 05 là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nên yêu cầu đã là đảng viên phải nắm, hiểu và làm theo cụ thể, bám sát chức năng, nhiệm vụ được phân công. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, hầu hết cán bộ, đảng viên, nhất là công chức, viên chức, người đứng đầu không chỉ nắm rõ mà còn triển khai một cách cụ thể”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk D'rô Lê Thị Minh (bên trái) thường xuyên bám cơ sở, lắng nghe, dựa vào dân để đánh giá cán bộ, đảng viên cũng như việc làm của mình

Tương tự, tại Đảng bộ thị trấn Đắk Mâm, theo đồng chí Trần Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), xác định phải nhận thức rõ thì hành động mới đúng, Đảng ủy thị trấn yêu cầu các chi bộ mỗi tháng lựa chọn 3-4 biểu hiện để giới thiệu, phân tích, chứng minh cho đảng viên nắm bắt, hiểu rõ. Nhờ vậy, hầu hết cán bộ, đảng viên nhận thức được mình còn hạn chế điểm nào, ra sao để có cách khắc phục phù hợp.

Không riêng xã Đắk D'rô, thị trấn Đắk Mâm, với việc nghiêm túc trong quán triệt, triển khai Đề án 05 đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, đơn vị.

Coi trọng giáo dục lý luận chính trị

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Nô Nguyễn Văn Anh cho biết, xây dựng, củng cố, bồi đắp nền tảng chính trị, tư tưởng là hoạt động luôn được cấp ủy, các TCCS đảng chú trọng. Với phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn, hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng, ban hành kế hoạch giáo dục lý luận chính trị để tạo sự thống nhất giữa nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của huyện, bằng nhiều hình thức phù hợp, các TCCS đảng, Mặt trận, tổ chức đoàn thể và phòng GD-ĐT huyện đều xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân.

Việc nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của đảng cũng được huyện chú trọng. Từ năm 2018 đến 2021, Krông Nô đã cử 73 cán bộ, đảng viên tham gia các lớp sơ cấp chính trị, 205 cán bộ, đảng viên tham gia các lớp trung cấp chính trị, 10 cán bộ, đảng viên tham gia các lớp cao cấp chính trị. Nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các ban, ngành tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức... gắn với tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên và công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Người dân xã Đắk D'rô tin tưởng, đồng thuận với các phong trào của địa phương

Tăng cường đấu tranh trên không gian mạng

Cùng với việc kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện tới cơ sở, huyện Krông Nô còn phát huy hiệu quả hệ thống 260 cụm loa truyền thanh cơ sở, góp phần quan trọng trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.

Đi đôi với đó, thực hiện Nghị quyết số 35, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII và Đề án số 13, ngày 14/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Huyện ủy về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với 8 thành viên, nhóm chuyên gia và cộng tác viên với 22 thành viên... Huyện ủy hướng dẫn thành lập tổ tuyên truyền, đấu tranh cấp xã, thị trấn và tương đương.

Công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng, Nghị quyết số 29, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng Nhân dân được chú trọng.

Đến nay, huyện Krông Nô đã xây dựng và vận hành 20 tổ 35 cơ sở và 1 tổ chuyên gia. Ông Nguyễn Văn Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Nô cho biết thêm: “Ban Tuyên giáo Huyện ủy luôn duy trì lực lượng tham gia mỗi lần phát lệnh để bảo đảm chất lượng trong đấu tranh, bóc gỡ những thông tin xấu, độc trên mạng. Nhiều thành viên trong các nhóm, tổ 35 còn kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin và phối hợp tuyên truyền, vận động xóa, gỡ bài đăng… không phù hợp. Hoạt động của tổ 35 cũng là cách để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về lý tưởng, bản lĩnh chính trị, sáng suốt khi sử dụng mạng xã hội và tiếp nhận thông tin”.

>> Kỳ 2: Nhận diện các biểu hiện để "tự soi, tự sửa”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô linh hoạt triển khai thực hiện Ðề án 05
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO