Năm 2019, gia đình anh Đỗ Mạnh Hiệp, ở Buôn K62, xã Đắk D'rô, đầu tư chăn nuôi bò. Anh đầu tư xây dựng chuồng nuôi trên bãi đất trống, cách xa nhà khoảng 100m và nuôi 10 con bò.
Anh Hiệp còn thiết kế khu vực nhà kho để ủ thức ăn cho bò từ các phụ phẩm nông nghiệp. Theo anh Hiệp, việc xử lý phân sẽ tạo môi trường sạch sẽ cho bò phát triển.
Đàn bò của gia đình anh Hiệp phát triển tốt |
Do đó, hằng ngày anh đều vệ sinh chuồng trại một cách sạch sẽ. Anh áp dụng phương pháp làm đệm lót trong chồng nuôi. Cụ thể, anh phủ một lớp vỏ cà phê, phế phẩm nông nghiệp dày khoảng 15 cm trên phân bò ngay trong chuồng.
Sau đó, anh rải men vi sinh rồi trộn đều phân và phế phẩm. Khoảng 20 ngày, anh lại tiếp tục đảo phân một lần và trộn thêm men vi sinh. "Với cách xử lý như vậy, tôi thấy không còn mùi hôi, chuồng nuôi luôn khô ráo. Khoảng 2-3 tháng, tôi bán phân một lần, thu về khoảng 8 - 9 triệu đồng", anh Hiệp chia sẻ.
Ngoài xử lý phân, anh Hiệp còn tận dụng thân cây bắp sau khi nông dân thu hoạch rồi dùng máy cắt nhỏ và trộn với cám, men, rỉ mật… làm thức ăn cho bò. Theo anh Hiệp, chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt đòi hỏi môi trường phải sạch, thức ăn phải bảo đảm đủ chất.
Gia đình anh Hiệp ủ cây bắp làm thức ăn cho bò |
Nền chuồng nuôi phải được bố trí thành hai phần: phần bệ bê tông và phần đệm lót. Đáy chuồng cũng nên làm nổi trên mặt đất để tránh ngập nước, nước nhĩ hay nước mưa ngấm vào làm hỏng đệm lót.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dung, ở thôn Nam Phú, xã Nam Đà, bắt đầu chăn nuôi bò hơn 1 năm qua. Chị nuôi 4 con bò sinh sản, 11 con bò vỗ béo lấy thịt. Theo kinh nghiệm của chị Dung, để giảm thiểu mùi hôi và xử lý tốt chuồng trại, 1 tháng chị rải men vi sinh vào chuồng 1 lần. Đối với phân, chị rải 1 lớp vỏ cà phê hoặc các phế phẩm nông nghiệp như rơm, cây bắp, thức ăn thừa, trộn với phân vi sinh để làm đệm lót.
Chị Dung xử lý phân bò bằng men vi sinh |
Chị Dung chia sẻ: "Xử lý phân bò theo cách này giúp giảm công dọn chuồng, tạo được môi trường sạch sẽ để đàn bò phát triển, hạn chế bệnh tật. Nguồn phân cũng giúp gia đình thu về khoảng 40 triệu đồng/năm".
Ngoài ra, chị Dung cũng trồng 6 sào cỏ để chủ động thức ăn cho đàn bò. Chị còn tận dụng rơm, các phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò, giúp giảm chi phí đầu tư khá nhiều.
Toàn huyện Krông Nô hiện có khoảng 10.000 con trâu, bò. Thực hiện đề án cải tạo đàn bò, những năm qua, huyện thường xuyên hỗ trợ người dân phối giống để thay thế các giống bò cỏ địa phương, từ đó nâng cao chất lượng đàn bò. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, để hạn chế tình trạng chăn nuôi thiếu an toàn, huyện đã chú trọng hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ sinh học. Trong đó, huyện đã chuyển giao kỹ thuật làm đệm lót bằng chế phẩm vi sinh cho nhiều hộ chăn nuôi.
Cách làm này giúp các hộ chăn nuôi phân hủy phân, nước tiểu của vật nuôi, giảm khí độc, mùi hôi từ chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm. Đây cũng đang là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi trên địa bàn trong giai đoạn tới.