Krông Nô đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Huyện Krông Nô đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp người dân trên địa bàn nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư…
Theo lãnh đạo Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô, cơ giới hóa trong nông nghiệp được người dân trên địa bàn áp dụng đồng đều trong sản xuất nhiều loại cây trồng.
Đặc biệt là trên cây lúa, bắp, cà phê, người dân hầu như đã áp dụng cơ giới trong các khâu làm đất, thu hoạch, phun thuốc trừ sâu, chế biến, vận chuyển...
Gia đình anh Đoàn Đức Tuấn, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô), vụ đông xuân vừa qua xuống giống hơn 10 ha lúa. Mặc dù sản xuất với diện tích lớn, nhưng anh vẫn xuống giống đồng loạt, tuân thủ đúng lịch thời vụ của địa phương.
Theo anh Tuấn, trước đây, gia đình anh sản xuất khoảng 3 sào lúa, ngay từ đầu vụ cả gia đình 2 – 3 người ra đồng cày cuốc hàng chục ngày, có khi trễ vụ. Chưa hết, quá trình canh tác, anh còn phải đổi công, thuê công để làm cỏ, thu hoạch.
Anh Tuấn cho biết: “Hiện nay, việc sản xuất lúa của gia đình không cần nhiều người như trước đây. Với diện tích hiện có, chỉ cần một hai thành viên trong gia đình là có thể quán xuyến được. Bởi hiện nay, việc áp dụng máy móc vào các khâu sản xuất đã giúp tiết kiệm được nhân công, giảm chi phí”.
Thời gian qua, nhiều hộ trồng lúa trên địa bàn Krông Nô còn sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng. Điều này giúp bà con đỡ vất vả, bảo vệ sức khỏe và đạt hiệu quả cao.
Theo bà con nông dân, sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp giảm được khoảng 30% (tương đương 2 – 3 triệu đồng/ha) chi phí đầu tư so với phun bằng tay.
Bên cạnh đó, việc sử dụng máy gặt đập liên hợp giúp giảm công lao động cho khâu thu hoạch lúa của người dân, bảo đảm thời vụ, giảm hao hụt sản phẩm đáng kể.
Lãnh đạo huyện Krông Nô cho biết, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu trồng trọt, chăn nuôi của huyện đạt khá cao. Cụ thể, trong sản xuất lúa, khâu làm đất đạt 98% diện tích; chăm sóc đạt 80%; tưới đạt 95%; thu hoạch đạt 100%; sấy 20%.
Còn đối với cây bắp, cơ giới hóa trong khâu làm đất cũng đạt 40% diện tích; chăm sóc là 60%; tưới nước 45%; thu hoạch 30%...
Trong sản xuất cà phê, cơ giới ở công đoạn sấy đạt từ 60-70% diện tích. Đối với chăn nuôi heo, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cho ăn, nước uống tự động đạt 90%; vệ sinh chuồng 44%...
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô cho hay, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động cho nông dân.
Cơ giới hóa đồng thời cũng giúp nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế cho ngành Nông nghiệp địa phương, tăng thu nhập cho người dân.
Ứng dụng hiệu quả máy móc trong các khâu canh tác còn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế...
Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng của Krông Nô đạt 62.500,5 ha, sản lượng lương thực đạt 821.980 tấn. Giá trị ngành Nông nghiệp của huyện đạt 5.681 tỷ đồng, chiếm 49,13% cơ cấu kinh tế; giá trị canh tác đạt xấp xỉ 90 triệu đồng/ha, đạt chỉ tiêu đề ra.