Kinh tế

Krông Nô - "Cái nôi" các giống lúa chất lượng cao của Đắk Nông

Thanh Nga 07/11/2023 05:30

Từ năm 2009 đến nay, huyện Krông Nô đã khảo nghiệm 15 giống lúa lai. Từ đó, huyện chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao trồng đại trà để nâng cao hiệu quả kinh tế.

ADQuảng cáo

Trước năm 2010, Krông Nô từng trồng khảo nghiệm các giống lúa: Thiên ưu , IR64, Tạp giao. Các giống lúa này năng suất trên 9 tấn/ha, nhưng chất lượng gạo không ngon, nên huyện không trồng đại trà.

Năm 2010, giống Nhị ưu 838 được huyện trồng khảo nghiệm và đạt năng suất trên 9 tấn/ha. Lúc bấy giờ, tuy chất lượng gạo không cao, nhưng Nhị ưu 838 có đặc tính cây cao, sinh trưởng tốt nên được trồng đại trà. Hiện nay, giống lúa này vẫn được gieo sạ ở những chân ruộng thấp, ngập úng nhưng diện tích rất hạn chế.

dji_0160-(1).jpg
Trong 10 năm qua, Krông Nô đã chọn trồng các giống lúa đặc sản để nâng cao hiệu quả kinh tế

Năm 2011, Krông Nô đưa giống lúa VS1 vào khảo nghiệm và đạt năng suất 7,8 tấn/ha. Chất lượng gạo của loại lúa này cải thiện hơn so với các giống lúa lai trước đó. VS1 được phát triển đại trà trên các cánh đồng Krông Nô từ năm 2012 -2014.

Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT Krông Nô cho biết: “Những giống lúa sau khi khảo nghiệm có năng suất cao, chất lượng vượt trội so với những giống lúa trước, nên hiệu quả kinh tế cho nông dân cao hơn”.

RVT là giống lúa có gạo thơm được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Pháp... Vụ đông xuân 2011-2012, Krông Nô bắt đầu khảo nghiệm giống lúa RVT năng suất đạt gần 8 tấn/ha, chất lượng gạo tốt. Lúa RVT được huyện triển khai sản xuất đại trà và đạt chứng nhận VietGAP vào năm 2014.

RVT được xem là giống lúa đầu tiên làm nên tên tuổi thương hiệu lúa gạo Krông Nô. Lúa RVT thay thế VS1 hoàn hảo và được trồng đại trà đến năm 2017. Hiện nay, giống lúa này vẫn được nông dân trồng vì cơm dẻo thơm, gạo ngon, nhưng diện tích thu hẹp vì trước ưu thế của ST24, ST25.

ADQuảng cáo

Nổi bật nhất là cuối năm 2017, huyện đưa các giống lúa ST24 vào khảo nghiệm và sản xuất đại trà. Lúa ST24 được xếp thứ 3 về gạo ngon nhất thế giới năm 2018, đạt năng suất đạt 8 tấn/ha.

Năm 2019, gạo ST25 được công nhận ngon nhất thế giới. Krông Nô cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Đắk Nông chọn trồng khảo nghiệm giống lúa này. Lúa ST25 trồng tại xã Buôn Choáh đạt năng suất 8 tấn/ha, chất lượng gạo cao. Sau khảo nghiệm, lúa ST25 được huyện phát triển đại trà cho đến nay với diện tích khoảng 70% diện tích lúa của huyện.

Vụ đông xuân 2022-2023, Krông Nô khảo nghiệm 5 sào giống lúa TBR39 và đạt năng suất 1,2 tạ/sào. Vụ hè thu này, huyện mở rộng trồng khảo nghiệm loại lúa này lên 10 ha, đạt năng suất khoảng 8 tạ/sào. Gạo TBR39 được đánh giá là gạo ngon nhất Việt Nam năm 2022. Huyện Krông Nô đang xem xét, đánh giá để triển khai trồng đại trà TBR39.

Thành công của các giống lúa lai giúp nông dân mở mang tư duy sản xuất lúa theo xu hướng hàng hóa. Trung bình mỗi ha lúa ST24, ST25, TBR39… sau 3 tháng trồng, nông dân thu về tầm 100 triệu đồng, trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.

Chị Hứa Thị Niên, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh, có 1,5 ha đất trồng lúa. Chị Hứa Thị Niên cho biết, các giống lúa RVT, ST24, ST25, TBR39 đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trồng lúa giờ đây đã giúp nông dân có thu nhập khá cao, nên bà con rất phấn khởi.

img_0135(1).jpg
Chị Hứa Thị Niên (bên trái) luôn tiên phong trong triển khai trồng thí điểm, khảo nghiệm các giống lúa

Theo ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, trên một diện tích đất, nếu trồng một giống lúa lâu năm sẽ dẫn đến thoái hóa, giảm năng suất, chất lượng. Do đó, khảo nghiệm các giống lúa mới, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật là điều cần thiết.

Krông Nô có khoảng 4.600 ha lúa, sản lượng đạt 35.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 700 ha đạt VietGAP. Năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông công nhận Vùng sản xuất lúa xã Buôn Choáh là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô - "Cái nôi" các giống lúa chất lượng cao của Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO