Kon Tum: Triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024

PV| 17/08/2023 14:23

Sáng 17/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị trực tuyến với 10 đầu cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Năm học 2022-2023, tỉnh Kon Tum có 359 trường mầm non và phổ thông công lập, giảm 5 trường so năm học 2021-2022; trong đó cấp THPT giảm 1, cấp THCS giảm 3, cấp tiểu học giảm 3, tiểu học và THCS tăng 3, mầm non giảm 1. Số cơ sở giáo dục ngoài công lập là 73 (gồm 23 trường và 50 nhóm lớp), tăng 1 trường, giảm 1 số nhóm lớp so năm học 2021-2022. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 11 cơ sở đào tạo; ngoài ra còn có 102 trung tâm học tập cộng đồng và 16 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập đang hoạt động.

Tổng số trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 164.256 em, trong đó có 95.972 trẻ em, học sinh là người dân tộc thiểu số. Trong đó, cấp mầm non có 40.580 trẻ (dân tộc thiểu số có 25.191 trẻ); cấp tiểu học có 65.990 học sinh (dân tộc thiểu số có 40.413 học sinh); cấp THCS có 43.038 học sinh (dân tộc thiểu số có 25.364 học sinh); THPT có 14.648 học sinh (dân tộc thiểu số có 5.004 học sinh).

Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung về số lượng, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Biên chế sự nghiệp giáo dục được tỉnh giao năm 2023 là 11.716 người (tăng 391 chỉ tiêu so năm 2022).

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã phối hợp các đơn vị, địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học hợp lý nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, nhân viên.

Cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư cơ bản bảo đảm cho việc triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Năm học 2022-2023, đầu tư xây mới bổ sung 106 phòng học, 38 phòng học bộ môn, 42 công trình vệ sinh nước sạch, 20 phòng ở cho học sinh, 7 khu hành chính quản trị; xây mới 11 nhà ăn, nhà bếp, cải tạo, sửa chữa 320 phòng học, 18 phòng học bộ môn…; bổ sung 24 phòng máy vi tính (với 780 máy tính), 125 tivi 65 inch; 2.400 bộ bàn ghế và các thiết bị dạy học khác với tổng kinh phí hơn 285 tỷ đồng.

Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách, trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, các nguồn tài trợ, viện trợ nhằm tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập như: Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Thư viện ước mơ, Thư viện thân thiện đã lan tỏa đến các trường vùng sâu, vùng xa, “Đông ấm”,… nhiều sách, vở, đồ dùng học tập được chia sẻ đến các em học sinh khó khăn qua phong trào “Sách cũ cho năm học mới”, mô hình “Bán trú dân nuôi”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Phạm Thị Trung

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; tiếp tục tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; phòng, chống ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập đáp ứng yêu cầu học tập đa dạng của người dân; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục và đào tạo.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tập trung các nguồn lực tài chính, trong đó nguồn vốn ngân sách là chủ yếu kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khác thông qua xã hội hóa, các chương trình, dự án hỗ trợ và bố trí hợp lý quỹ đất để đầu tư phát triển trường, lớp theo hướng đạt chuẩn, hiện đại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030; quan tâm các tiêu chí giáo dục ở một số xã thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới; thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, kịp thời đề xuất phân bổ kinh phí để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Đồng thời, tỉnh chuẩn bị các điều kiện triển khai năm học mới 2023-2024; trong đó chú trọng triển khai có hiệu quả chương trình và sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 trên địa bàn tỉnh; chủ động nắm bắt số lượng nhu cầu sách vở đầu năm học tham mưu các giải pháp chuẩn bị các điều kiện, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo; vở trong năm học mới; triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách liên quan giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

Khung thời gian năm học 2023-2024 của học sinh Kon Tum

Tựu trường ngày 28/8/2023. Riêng đối với lớp 1 thì từ ngày 21/8/2023 (thực hiện “Tuần làm quen” và triển khai tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2023.

Bắt đầu học kỳ I vào ngày 6/9/2023, kết thúc học kỳ I trước ngày 13/1/2024. Bắt đầu học kỳ II vào ngày 15/1/2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2024. Kết thúc năm học trước ngày 31/5/2024.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/kon-tum-trien-khai-phuong-huong-nhiem-vu-trong-tam-nam-hoc-2023-2024-post767770.html
Copy Link
https://nhandan.vn/kon-tum-trien-khai-phuong-huong-nhiem-vu-trong-tam-nam-hoc-2023-2024-post767770.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Kon Tum: Triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO