
Tính riêng từ ngày 23-30/4, các địa phương đã khởi công xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 119 hộ. Tổng số nhà tạm, nhà dột nát cần được xây dựng mới hoặc sửa chữa trên địa bàn tỉnh là 2.752 căn (xây mới 2.186 căn, sửa chữa 566 căn). Trong đó, hộ người có công với cách mạng là 115 căn (xây mới 59 căn, sửa chữa 56 căn); hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia là 152 căn (xây mới 148 căn, sửa chữa 4 căn); hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia là 1.562 căn.
Gia Lai bố trí 500 tỷ đồng tham gia dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành nghị quyết về việc bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Theo đó, tổng số vốn nguồn ngân sách địa phương tham gia dự án 500 tỷ đồng được chi vào mục đích bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dự án cao tốc Quy Nhơn-Pleiku đã được Ban Quản lý dự án 2 trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Dự án được đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ và tổng mức đầu tư hơn 43.500 tỷ đồng. Tuyến giao thông trọng điểm này dự kiến khởi công trong năm 2025, hoàn thành vào năm 2029.
Đắk Lắk tăng cường tháo gỡ khó khăn, phát triển nhà ở xã hội

Một khu đô thị kết hợp xây dựng nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
đang được xây dựng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Công văn về việc tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm hoàn thành toàn diện mục tiêu đã đề ra; kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cắt giảm tối đa, đơn giản các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội; thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện.
Đắk Nông chủ động chuyển đổi cây trồng để chống hạn
Do biến đổi khí hậu gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cây trồng, ngành chức năng, các địa phương của tỉnh Đắk Nông đã có nhiều giải pháp khuyến khích người sản xuất chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng. Riêng năm 2024, tại một số địa bàn đã chuyển đổi trên 1.600 ha đối với 4 cây trồng chủ lực là cà-phê, hồ tiêu, cao su, điều không thích nghi, kém hiệu quả.
Các loại cây được trồng mới như mít, cam, quýt, sầu riêng; hoặc trồng xen tiêu, sầu riêng, mắc ca. Trong đó, diện tích chuyển đổi cà-phê là hơn 532 ha, chủ yếu tại các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Glong. Diện tích chuyển đổi hồ tiêu là 274 ha tại các huyện Cư Jút, Đắk Song. Diện tích chuyển đổi cây điều hơn 368 ha tại các huyện Krông Nô, Đắk R’lấp, Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa. Có hơn 440 ha cao su được chuyển đổi sang trồng cây khác, chủ yếu tại các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Mil và Krông Nô.
Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi hơn 8.557 ha cà-phê, hồ tiêu, cao su, điều không thích nghi hoặc ít thích nghi sang các cây trồng có tiềm năng, phù hợp điều kiện thực tế tại các địa phương.
Lâm Đồng áp dụng chế tài với chủ đầu tư chậm nộp quyết toán vốn đầu tư công
Để đôn đốc chủ đầu tư quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố cần thực hiện nghiêm các quy định về việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán đúng thời gian quy định.
Theo đó, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp chế tài xử lý, như: Công khai danh sách chủ đầu tư chậm nộp quyết toán; thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư vi phạm thời gian nộp quyết toán. Công khai danh sách nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thông báo cho các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư biết và không để nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới.
Các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư khẩn trương rà soát để trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng; yêu cầu hoàn thành phê duyệt quyết toán các dự án nêu trên trước khi hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.