Kon Tum tăng cường hợp tác với các tỉnh Attapeu và Sekong

01/01/2025 22:07

Sau hơn hai năm thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác giai đoạn 2022-2027 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và chính quyền hai tỉnh Attapeu và Sekong (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), các cấp, các ngành của các bên đã tăng cường triển khai các nội dung hợp tác và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.

Các bên tổ chức trao đổi 109 đoàn với 1.216 lượt cán bộ, công chức đi thăm và làm việc giữa các địa phương; phối hợp tổ chức 36 hội nghị, hội đàm và ký kết 32 văn kiện hợp tác, thỏa thuận quốc tế giữa các cấp, các ngành, địa phương; thường xuyên trao đổi thông tin, gửi thư chúc mừng nhân các sự kiện, ngày lễ lớn của mỗi nước, mỗi tỉnh.

Công tác xuất nhập cảnh người và phương tiện, hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và Cửa khẩu quốc tế Phoukeua (Attapeu) được giải quyết nhanh chóng và thuận lợi, đã giải quyết cho 215.414 lượt khách, 43.460 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh; kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y-Phoukeua đạt trên 687,4 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đã dành nguồn lực để hỗ trợ chính quyền và nhân dân tỉnh bạn gần 5 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội, mua sắm trang thiết bị văn phòng; trao tặng quà và khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí gần 1,1 tỷ đồng.

Gia Lai chỉ còn hơn 6% số hộ nghèo

Triển khai chương trình giảm nghèo từ năm 2022 đến nay, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ tín dụng chính sách cho hơn 148.000 lượt hộ, với tổng dư nợ hơn 7.400 tỷ đồng. Vốn tín dụng đã giúp cho gần 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 31.400 lao động; xây dựng và cải tạo 86.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho 2.196 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo có vốn xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,9% xuống còn 6,06%. Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030 không còn huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn dưới 10%.

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghề làm gốm của người M’nông

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định số 3229/ QĐ-UBND về việc giao thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Lắk thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về: Nghề thủ công truyền thống - nghề làm gốm của người M’nông, xã Yang Tao, huyện Lắk. Di sản này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 10/12/2024.

Làm gốm là một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần, mang đặc trưng riêng của người M’nông Rlăm ở xã Yang Tao, huyện Lắk. Nét độc đáo của gốm cổ Yang Tao thể hiện ở chỗ được chế tác hoàn toàn thủ công, người M’nông không dùng bàn xoay mà để đất nhuyễn trên đôn, người làm gốm di chuyển quanh đế tạo hình, rồi phơi sản phẩm đến độ khô nhất định. Sau đó, nghệ nhân mới dùng que vẽ hoa văn, họa tiết, lấy hòn đá cuội chà bề mặt cho bóng, rồi tiếp tục phơi khô trong bóng râm. Người M’nông nung gốm lộ thiên chứ không sử dụng lò nung như thông thường, khi sản phẩm chín ngả mầu, người làm gốm sẽ rắc trấu lên trên, đây là công đoạn quan trọng để tạo mầu đen bóng đặc trưng riêng có của sản phẩm gốm M’nông ở xã Yang Tao.

Đắk Nông vận động hỗ trợ 17.000 suất quà Xuân Ất Tỵ 2025

Tỉnh Đắk Nông hiện vẫn còn 8.838 hộ nghèo, 11.197 hộ cận nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần được chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Do đó, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch triển khai Phong trào Tết Nhân ái Xuân Ất Tỵ 2025 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh Đắk Nông phấn đấu vận động chăm lo, hỗ trợ 17.000 suất quà cho đối tượng người thụ hưởng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, với tổng trị giá hoạt động phong trào đạt 6,8 tỷ đồng, trị giá suất quà tối thiểu từ 400.000 đồng trở lên; trong đó, cấp tỉnh tổ chức bốn chương trình “Tết Nhân ái”, gồm: chương trình Tết Nhân ái - Lan tỏa yêu thương; Chợ Tết Nhân ái và bữa cơm sum vầy; Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản và Chợ Tết nhân ái (do huyện đăng cai) với quy mô tối thiểu 500 người thụ hưởng và trị giá 200 triệu đồng/chương trình trở lên. Mỗi huyện, thành phố tổ chức tối thiểu một chương trình Chợ Tết Nhân ái với quy mô tối thiểu 150 người thụ hưởng và trị giá 60 triệu đồng/chương trình trở lên.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/kon-tum-tang-cuong-hop-tac-voi-cac-tinh-attapeu-va-sekong-post853790.html
Copy Link
https://nhandan.vn/kon-tum-tang-cuong-hop-tac-voi-cac-tinh-attapeu-va-sekong-post853790.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Kon Tum tăng cường hợp tác với các tỉnh Attapeu và Sekong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO