Cho "mượn tạm" đất Nhà nước rồi giao đất ở có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá
Trong quá trình điều chính hành lang an toàn giao thông (đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường nội bộ trong các khu vực tạo vốn từ những năm trước), tạo quỹ đất cho huyện Đăk Hà thì có 2 lô “đất vàng” đang được Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà cho mượn tạm rồi ra quyết định giao đất ở có thu tiền sử dụng đất nhưng không thông qua đấu giá.
Theo đó, ngày 20/12/2021, tại buổi đối thoại trực tiếp với ông Hà Quang Tứ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Hà Tiến đã ra Thông báo số 308/TB-UBND kết luận: Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân thị trấn Đăk Hà tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xem xét để cho ông Hà Quang Tứ mượn (hoặc cho thuê) khu đất trống liền kề khu đất nhà ông Tứ tại khu vực ngã ba đường Hùng Vương-Hoàng Thị Loan (khu vực đắc địa bậc nhất huyện Đăk Hà) để làm nơi chứa hàng hóa.
Đến ngày 6/1/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đã ký công văn số 48/UBND-TNMT thống nhất theo nội dung đề xuất của Phòng Tài nguyên và Môi trường về việc cho hộ gia đình ông Hà Quang Tứ mượn tạm diện tích 372m2 đất ở do Ủy ban nhân dân huyện quản lý tiếp giáp với các thửa đất của gia đình ông Hà Quang Tứ để sử dụng vào mục đích làm kho tạm theo hình thức lắp ráp bằng khung sắt hoặc các vật liệu dễ tháo dỡ. Thời gian cho mượn hằng năm, năm 2022 tính từ ngày 10/1/2022 đến 31/12/2022.
Diện tích mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đồng ý cho ông Hà Quang Tứ mượn tạm tại khu vực ngã ba đường Hùng Vương-Hoàng Thị Loan (gồm 2 vị trí), cụ thể: Vị trí tiếp giáp với mặt đường Hùng Vương có diện tích 305,5m2; vị trí tiếp giáp với mặt đường Hoàng Thị Loan là 66,5m2. Theo kế hoạch sử dụng đất của huyện Đăk Hà thì diện tích trên thuộc quy hoạch sử dụng đất ở tại đô thị.
Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đồng ý cho gia đình ông Hà Quang Tứ mượn 372m2 đất ở thì đến ngày 1/12/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Phạm Thị Thương đã ký 2 quyết định liên tiếp số 1487 và 1488 về việc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất cho ông Hà Quang Tứ và bà Trần Thị Nga (vợ ông Tứ) để sử dụng vào mục đích đất ở đô thị. Cụ thể, Quyết định số 1487 giao diện tích là 202m2, tại thửa đất số 672, tờ bản đồ số 11; Quyết định số 1488 giao diện tích là 97,5m2, tại thửa đất số 671, tờ bản đồ số 11. Cả 2 lô đất chiếm phần lớn diện tích đất được huyện Đăk Hà cho ông Tứ mượn, đều thuộc tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà.
Sau khi giao đất, hộ ông Hà Quang Tứ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định. Diện tích đất trên đang thuộc diện “sốt”, với giá cả lên từng ngày, giá thị trường hiện nay dao động từ 10-13 triệu đồng/m2 thế nhưng số tiền ông Tứ đã nộp thuế chỉ 763,725 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa được thực hiện và ông Tứ vẫn “ung dung” sử dụng diện tích đất được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà cho mượn tạm trên.
Chậm trễ trong thu hồi diện tích đất công bị lấn chiếm
Sau khi Báo Nhân Dân có bài phản ánh Kon Tum: Lấn chiếm đất công để xây dựng trường mầm non tư thục ngày 28/11/2023 thì Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà mới ra nhiều văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Đăk Hà, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi tự ý lấn chiếm, xây dựng công trình trường Mầm non Duy Phương đối với ông Lê Ngọc Phương, tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà (vi phạm trên phần diện tích đất tạo vốn do Ủy ban nhân dân huyện quản lý).
Theo Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà thì trong qua quá trình xử lý địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc và hiện tại ông Lê Ngọc Phương đang mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư) nên vụ việc trên đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Mặc dù không được quy hoạch là đất giáo dục thế nhưng ngày 5/6/2019, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà có quyết định số 1452 về việc cho phép thành lập Trường mầm non Duy Phương tại thị trấn Đăk Hà và ngày 10/9/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà có Quyết định 90 về việc cho phép hoạt động giáo dục đối với Trường Mầm non Duy Phương tại diện tích đất do Ủy ban nhân dân huyện quản lý.
Chính vì lý do trên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà Đặng Ngọc Tiến, cho biết, do khối lượng, giá trị công trình gắn liền với đất vi phạm tương đối lớn (lớp học chính ba tầng Trường Mầm non tư thục Duy Phương) nếu thực hiện việc phá dỡ để trả lại hiện trạng đất ban đầu sẽ gây thiệt hại lớn, phát sinh đơn thư khiếu nại của người vi phạm; Mặt khác, phần diện tích đất sử dụng không đúng qui định của pháp luật, hiện trạng là lớp học chính, hiện có khoảng hơn 300 học sinh đang theo học các bậc học: mầm, chồi, lá; nếu tháo dỡ toàn bộ hạng mục công trình này sẽ làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học của Nhà trường.
Cũng liên quan đến việc chậm thu hồi diện tích đất công bị lấn chiếm, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà rất bức xúc với việc khu vực hành lang suối tại tổ dân phố 4A, mặt tiền đường Hồ Chí Minh dài hơn 12 m, vị trí đắc địa trong việc kinh doanh tại huyện Đăk Hà (hiện đang cho 1 đơn vị thuê kinh doanh đồ trẻ em). Năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà có văn bản số 1121/UBND-TH ngày 14/8/2017 thống nhất chủ trương để Ủy ban nhân dân thị trấn cho ông Đỗ Trọng Lâm thuê đất làm nơi rửa xe. Sau khi có chủ trương trên, Ủy ban nhân dân thị trấn ký hợp đồng thuê đất trên với ông Lâm nhưng không qua đấu giá. Sau khi được thuê, ông Lâm tự ý xây dựng công trình trên suối và hành lang suối.
Ngày 4/1/2023, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà ra Quyết định số 06/QĐ-XPHC trong đó biện pháp phạt bổ sung là: buộc trả lại diện tích đất lấn chiếm khôi phục hiện trạng ban đầu của đất suối và hành lang suối tại tổ dân phố 4A, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum thời hạn đến ngày 5/1/2024 (thời hạn 1 năm kể từ ngày ông Lâm nhận Quyết định xử phạt hành chính).
Theo Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà, đến nay, ông Đỗ Trọng Lâm chưa nghiêm túc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 06/QĐ-XPHC; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 313/QĐ-CCXP ngày 02/02/2024, trong đó: Yêu cầu ông Đỗ Trọng Lâm tự nguyện khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với đất suối và hành lang suối; trong thời gian 90 ngày (sau thời gian 90 ngày nếu ông Lâm không tự nguyện khôi phục sẽ cưỡng chế).
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Hà Tiến, ngày 29/2/2024, Ủy ban nhân dân thị trấn Đăk Hà đã tiếp tục vận động, tuyên truyền ông Đỗ Trọng Lâm tháo dỡ công trình này, tuy nhiên ông Lâm chưa thống nhất. Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân thị trấn Đăk Hà tiếp tục liên hệ ông Lâm nhưng không gặp do ông Lâm đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương (theo tìm hiểu do người vi phạm hiện nay đang liên quan đến vụ án hình sự ngoài tỉnh, nên không liên lạc được, nên chưa thể xác định chính xác về thời gian).
Đồng chí Đặng Ngọc Tiến, cho biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà đang tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch cưỡng chế theo Quyết định 313/QĐ-CCXP, dự kiến thời gian hoàn thành các thủ tục cưỡng chế trong quí IV/2024; thời gian hoàn thành công tác cưỡng chế trong quí I/2025, vì còn phụ thuộc vào người vi phạm có mặt tại địa phương?!
Đến nay công trình trên vẫn “ngang nhiên” tồn tại, thách thức dư luận và gây thất thoát lớn cho tài sản Nhà nước khi đơn vị thuê sử dụng diện tích trên để kinh doanh có lượng khách ra vào tấp nập.
Điều đáng ngạc nhiên là, trả lời câu hỏi của Văn phòng đại diện báo Nhân Dân tại Kon Tum về việc cho mượn hoặc cho thuê đất không qua đấu giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Hà Tiến khẳng định là không có tình trạng trên?!
Điều 118 “các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất”, Luật Đất đai năm 2013, quy định việc giao đất ở đô thị, nông thôn phải được thực hiện theo hình thức đấu giá. Vậy, việc Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà cho người dân mượn đất công và giao, cho thuê có thu tiền sử dụng đất nhưng không qua đấu giá đã đúng với các quy định của pháp luật hiện nay chưa?
Dư luận trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Hà nói riêng đang rất mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến địa phương để sớm giải quyết những tồn tại, bất cập nêu trên, thể hiện sự thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm trong việc cho mượn, sử dụng sai mục đích, chậm trễ trong quá trình thu hồi diện tích đất công bị lấn chiếm, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.