Quang cảnh buổi lễ. |
Cách đây 50 năm, sự tồn tại cứ điểm Đăk Pék như một sự thách thức với quân dân ta nói chung và toàn quân toàn dân hai huyện H30, H40 nói riêng. Nhằm hoàn chỉnh vùng giải phóng và khai thông hành lang chiến lược Đông Trường Sơn, Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định mở chiến chiến dịch tấn công tiêu diệt cứ điểm Đăk Pék. Đảng bộ hai huyện H30, H40 đã động viên toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn bộ lực lượng vũ trang địa phương chuẩn bị nhân tài vật lực phối kết hợp với bộ đội chủ lực suốt ngày đêm mở đường cho pháo binh của ta vào chiếm lĩnh trận địa.
Vào lúc 8 giờ sáng 16/5/1974, lệnh tấn công và tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Pék được phát ra từ Sở chỉ huy mặt trận. Ngay lập tức hỏa lực từ các khẩu pháo bắn thẳng 85 ly, 105 ly và D74 gầm lên phá vỡ các lô cốt vòng ngoài của cứ điểm Đăk Pék. Từng mảng công sự bị phá banh nhờ pháo của ta ở vị trí cao bắn xuống, yểm trợ cho bộ binh và đặc công đột phá, tiếp cận hệ thống phòng thủ phía bên ngoài của địch.
Quang cảnh buổi lễ. |
Giữa lúc quân địch bị choáng váng bởi các đợt bắn phá của pháo binh ta, các chiến sĩ đặc công trinh sát trung đoàn 66 và lực lượng vũ trang dân quân du kích huyện và tiểu đoàn 304 của tỉnh dùng mìn, bọc phá xông lên phá rào mở cửa vòng đại cứ điểm ngoại vi, kịp thời chi viện cho bộ binh xung phong. Trên đường 14 theo hướng sông Pô Kô, từ cầu Đăk Ven, các chiến sĩ dũng cảm chiến đấu. Lúc này, máy bay địch lao tới bắn phá, một số cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh dũng cảm dưới mưa bom bão đạn của địch để thông ngầm, với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm nguy hiểm này.
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ chiến đấu, toàn bộ địch ở cứ điểm Đăk Pék và quận lỵ Đăk Pék bị tiêu diệt, bắt làm tù binh. Cụ thể, có 403 tên bị bắt sống cùng toàn bộ ban chỉ huy, tiểu đoàn biệt động 88 của địch; 130 tên bị tiêu diệt số còn lại tan rã bỏ chạy. Quân ta thu và phá hủy 3 xe, 14 khẩu đại bác và cối hạng nặng; 110 súng các loại lương thực và nhiều quân trang, quân dụng khác; bắn cháy 2 kho xăng; bắn rơi và bắn cháy 3 máy bay địch. Đây là trận đánh khẳng định sự kết hợp tài tình của các lực lượng vũ trang chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và sức mạnh toàn dân để đánh thắng địch.
Chiến thắng Đăk Pék đã đập tan “tấm tường thành bằng súng đạn” chắn giữ và đánh phá con đường chiến lược Hồ Chí Minh huyết mạch của địch. Từ đó, mở ra con đường để lực lượng của ta tiến thẳng về áp sát Kon Tum tiến tới giải phóng toàn tỉnh.
Chiến thắng Đăk Pék đã mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của đảng bộ và nhân dân H30 và H40. Ngày 16/5/1974 chính thức đi vào lịch sử khi trở thành ngày giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei. Từ đây, Đảng bộ cùng quân dân các dân tộc huyện Đăk Glei tiếp tục cùng quân và dân Kon Tum đi suốt chặng đường còn lại của cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng tỉnh và giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei Y Thanh phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei Y Thanh khẳng định, sau ngày Chiến thắng Đăk Pék và giải phóng hoàn toàn huyện Đăk Glei, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Glei đã nỗ lực phấn đấu không ngừng và đạt được những kết quả hết sức quan trọng.
Về kinh tế huyện không ngừng tăng trưởng cả quy mô và chất lượng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đa dạng, đa ngành nghề, quy mô sản xuất kinh doanh, phương tiện lao động, cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ và cơ chế quản lý ngày càng được đổi mới theo hướng phát triển tích cực.
Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn huyện quan tâm, chú trọng. Hiện, toàn huyện Đăk Glei có 723 đối tượng là thương binh, bệnh binh. Hằng năm, huyện đã làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng nhân các dịp lễ, tết, nhất là dịp 27/7; cùng các chế độ trợ cấp hàng tháng, quà tết của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện được chi trả, thăm hỏi kịp thời.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ khác còn được huyện triển khai, thực hiện như: Chính sách ưu đãi về nhà ở; giáo dục, đào tạo đối với con cái của người có công; chăm sóc sức khỏe; ưu tiên vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công; tạo điều kiện cho con em có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa” được huyện triển khai đã lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó đã thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã trao tặng Công bố Quyết định của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia Chiến thắng Đăk Pék.