Kon Tum gian nan "cuộc chiến" giữ rừng

PV| 02/08/2023 10:55

Thường xuyên đối mặt hiểm nguy, gian truân tận nơi “rừng thiêng, nước độc”, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (LLCTVBR) tại Kon Tum vẫn đang cần mẫn, ngày đêm bám trụ trên đỉnh những cánh rừng già.

Kỳ 1: Những bước chân lặng thầm nơi "rừng thiêng nước độc"

Trong những ngày tháng 7 vừa qua, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có dịp theo chân LLCTBVR của các chủ rừng: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray… để chứng kiến về “cuộc chiến” giữ rừng đầy gian nan, hiểm nguy trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Nước sạch sinh hoạt là điều xa xỉ với lực lượng bảo vệ rừng.
Nước sạch sinh hoạt là điều xa xỉ với lực lượng bảo vệ rừng

Dấn thân nơi “thâm sơn cùng cốc”

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp Đăk Tô được UBND tỉnh Kon Tum giao quản lý, bảo vệ khoảng 30.000ha diện tích đất và rừng tự nhiên nằm trải dài trên địa giới hành chính của 3 huyện: Đăk Tô - Tu Mơ Rông - Sa Thầy.

Với diện tích rừng rộng lớn, địa lý hiểm trở nên đã gây ra không ít khó khăn cho việc tuần tra, bảo vệ của LLCTBVR. Tại những địa bàn hiểm trở lại là “miếng mồi” béo bở để các nhóm “lâm tặc” ngày đêm lăm le khai thác gỗ trái phép. Trước đây, những cánh rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô luôn là “điểm nóng” về vấn nạn chặt phá rừng.

Như những ngày bình thường khác, chúng tôi được giới thiệu đến Phân trường quản lý, bảo vệ rừng Đăk Trăm (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) để theo đội công tác đi tuần tra, bảo vệ rừng theo kế hoạch. Hành trang mang theo trên những chiếc xe máy của chúng tôi chỉ đơn giản là vài chiếc nồi cũ kĩ, mấy cân gạo, ít mắm muối và không thể thiếu là những chiếc võng.

“Tất cả chuẩn bị, sẵn sàng lên đường!”, tiếng hô của anh Phan Trọng Văn - Trưởng Phân trường quản lý, bảo vệ rừng Đăk Trăm thúc giục mọi người khẩn trương để bắt đầu cuộc hành trình ngược ngàn đầy gian nan, hiểm nguy phía trước.

Những chiếc xe máy dù đã cũ kĩ vẫn phăng phăng trên những cung đường núi quanh co, gồ ghề lúc ẩn, lúc hiện, rồi mất hút vào những cánh rừng sâu. Tháng 7, Tây Nguyên nắng rát mặt, không có nổi một gợn gió khiến đoàn chúng tôi mồ hôi đầm đìa, ai nấy đều ướt sũng áo.

Những bước chân không biết mệt mỏi trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng
Những bước chân không biết mệt mỏi trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng

Mải miết bám theo đoàn, tôi không thể nhớ mình đã đi qua bao nhiêu quả đồi, vượt qua bao nhiêu con suối, thác ghềnh tận nơi rừng sâu. Điều đáng nói, những cây gỗ to, có giá trị lớn được các anh nhớ và đọc vanh vách, cho thấy, dấu chân của các anh đã in hằn trên những cung đường tuần tra.

Tranh thủ lúc đoàn nghỉ ngơi khi vừa băng qua một con suối cạn trong rừng sâu, anh Dũng -thành viên trong tổ tuần tra bộc bạch: Năm 2014, anh tốt nghiệp trường Đại học Quy Nhơn chuyên ngành Sư phạm thể dục - thể thao với tấm bằng khá. Chẳng thể ngờ được, từ ước mơ trở thành giáo viên đứng trên bục giảng, giờ anh lại đứng trên đỉnh những cánh rừng sâu tận nơi “thâm sơn cùng cốc".

Anh Dũng nhớ lại, năm 2016 chưa xin được việc làm, mấy anh em trong làng giới thiệu nên đã mạnh dạn viết đơn xin vào công tác trong ngành lâm nghiệp tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Anh được lãnh đạo công ty phân công vào LLCTBVR của Phân trường quản lý, bảo vệ rừng Đăk Trăm. Tính đến nay cũng đã được 7 năm trong ngành, anh cũng không còn nhớ mình đã băng qua bao nhiêu quả đồi, vượt qua bao nhiêu con suối.

Anh Dũng nhớ lại cách đây mấy năm, “lâm tặc” lăm le phá rừng nên anh em phải căng mình bám trụ 24/24 giờ. Ban ngày ăn vội chén cơm rồi lên đường tuần tra, đêm đến thức để nghe ngóng tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

“Áp lực công việc rất lớn, vất vả, nguy hiểm luôn rình rập. Tuy nhiên, với mức lương như hiện nay nhiều khi thấy tủi thân, có lúc tôi muốn nghỉ để kiếm một công việc khác để mong cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn.Vì yêu nghề, coi những cánh rừng già là ngôi nhà thứ 2 của mình nên tôi đã gạt bỏ những suy nghĩ đó, ngày đêm cùng anh em đồng nghiệp bám trụ trên rừng”, anh Dũng chia sẻ.

Cuộc sống thiếu thốn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở Kon Tum
Cuộc sống của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở Kon Tum vẫn đang gặp nhiều khó khăn

“Ăn gió, nằm sương” quyết bảo vệ rừng

Gia cảnh quá khó khăn, nhà có đông anh em, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lâm sinh, anh Phương (35 tuổi, nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) xin vào công tác trong ngành lâm nghiệp và được phân công trong lực lượng bảo vệ rừng.

Khuôn mặt cháy sạm do nắng mưa khắc nghiệt nơi núi rừng nhưng trên môi anh lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Dẫn chúng tôi đi tuần tra, bảo vệ rừng tại tiểu khu 276, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), anh Phương kể: “Năm 2012, mình xin vào làm trong ngành lâm nghiệp. Mặc dù rất vui khi được làm đúng với chuyên ngành học nhưng khi bước vào nghề mình mới cảm nhận được hết những gian truân, vất vả.

Thời điểm đó, những cánh rừng già luôn trong tình trạng báo động. “Lâm tặc” vô cùng tinh vi và hung hãn, sẵn sàng chống trả lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Khi đã chọn nghề thì mình luôn phải vững niềm tin, chấp nhận đương đầu với hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi luôn được bảo vệ nghiêm ngặt trước các đối tượng “lâm tặc ma mãnh, tinh vi
Những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi luôn được bảo vệ nghiêm ngặt trước các đối tượng “lâm tặc ma mãnh, tinh vi

Nằm trong LLCTBVR của Phân trường quản lý, bảo vệ rừng Đăk Trăm, anh Hoàng Thái Phương (quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cũng chẳng nghĩ mình sẽ bén duyên với mảnh đất Kon Tum nắng gió.

Anh Phương nhớ lại: "Hồi đó, mình tốt nghiệp chuyên ngành Lâm sinh ở Huế. Với sức trẻ và nhiệt huyết, mình khăn gói một thân một mình vào mảnh đất Kon Tum lạ lẫm, rồi viết đơn xin vào công tác trong ngành lâm nghiệp cho đến tận bây giờ.

Do đặc thù công việc phải đi công tác thường xuyên, nhớ vợ con nhưng phải cố nén lại để hoàn thành nhiệm vụ, mình cùng đồng nghiệp bám trụ trong rừng sâu, kiên quyết không để một cây gỗ ngã xuống dưới lưỡi cưa của “lâm tặc”.

Những lúc cao điểm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải phải bám trụ trên rừng nhiều ngày. "Ở nhà, vợ là người mẹ nhưng đồng thời cũng là người cha để thay mình chăm sóc, dãy bảo con cái, lo toan mọi việc cho gia đình hai bên nội ngoại”, giọng anh Phương bỗng nghẹn lại.

Giây phút nghỉ ngơi bên bờ suối của lực lượng bảo vệ rừng.
Giây phút nghỉ ngơi bên bờ suối của lực lượng bảo vệ rừng ở tỉnh Kon Tum

Dưới tán cây rừng trong lúc tranh thủ nghỉ ngơi, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về công việc gian nan của các anh. Đặc biệt, vào những lúc cao điểm phá rừng do người dân đốt nương làm nương rẫy, anh em chuyên trách bảo vệ rừng phải dậy thật sớm, ăn vội bát cơm, mang theo mấy chiếc nồi cũ kĩ, vài cân gạo và ít mắm muối rồi lên đường làm nhiệm vụ.

“Mệt ở đâu thì nghỉ ở đó, đến chiều tối tìm xuống khe suối lấy nước nấu cơm, anh em chẳng ai tị nạnh ai, người thổi lửa nấu cơm, người tranh thủ tìm ít rau rừng, cá suối để cải thiện bữa ăn. Đêm đến, các thành viên mắc võng giữa đại ngàn ngủ. Cái lạnh nơi rừng sâu như “thấu xương” cũng chẳng ngăn nổi quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, cây rừng của anh em mình”, anh Phương tâm sự.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: “Công việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng, hiện nay quyền lợi và quyền hạn chưa tương xứng với tính chất, đặc thù của công việc".

(Còn nữa)

Theo tuoitrethudo.com.vn
https://tuoitrethudo.com.vn/kon-tum-gian-nan-cuoc-chien-giu-rung-230363.html
Copy Link
(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum gian nan "cuộc chiến" giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO