Kon Tum bảo tồn, trồng dược liệu dưới tán rừng

Phúc Thắng| 27/03/2024 22:03

Tỉnh Kon Tum có hơn 63% đất tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp. Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, rừng ở Kon Tum có giá trị lớn về sinh học, nguồn gen, dịch vụ môi trường rừng với nhiều loài động, thực vật đa dạng; trong đó, nhiều loài lâm sản có tính dược liệu cao, trữ lượng lớn đem lại giá trị kinh tế. Việc bảo tồn, phát triển dược liệu dưới tán rừng được tỉnh Kon Tum chú trọng.

Phát huy lợi thế

Núi Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thuộc địa phận hai huyện Tu Mơ Rông và Ðăk Glei, là nơi đang có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới, lên đến cả nghìn héc-ta. Ðây là loại sâm quý, được phát hiện trên đỉnh Ngọc Linh, chỉ sống tốt ở độ cao từ 1.500m trở lên, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp vùng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh".

Rừng sâm nguyên sinh được giao khoán, nhằm bảo vệ nguồn gen quý, đồng thời giúp người dân địa phương phát triển kinh tế từ rừng. Nhờ công tác bảo tồn được thực hiện tốt, sâm Ngọc Linh đã phục hồi và thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Nghị quyết Ðại hội đại biểu lần thứ 16 Ðảng bộ tỉnh Kon Tum xác định: Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh, như sâm, hồng đẳng sâm, đương quy, đinh lăng…, tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Tập trung thu hút đầu tư các cơ sở sơ chế, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum đến năm 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã quan tâm, chỉ đạo lập quy hoạch phát triển từng loại dược liệu cho phù hợp, nhất là các huyện trọng điểm phát triển dược liệu như Tu Mơ Rông, Ðăk Glei, Kon Plông, xây dựng phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo vệ rừng bền vững, theo đó quy hoạch 1.220 ha trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh để phát triển các loài dược liệu; xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng với tổng diện tích hơn 102.000 ha, trong đó có 10.000 ha rừng để phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết, Kon Tum sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh theo quy định pháp luật, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, trong đó chú trọng thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có uy tín đến tìm hiểu vùng nguyên liệu và đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu, phấn đấu đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân mà còn là cách để bảo vệ rừng bền vững. Theo đồng chí A Sỹ, Bí thư Ðảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, nhờ trồng sâm Ngọc Linh và hồng đẳng sâm dưới tán rừng, người dân nơi đây đã có nhiều hộ khá và giàu lên... Với giá cả thị trường hiện nay, mỗi củ sâm Ngọc Linh cỡ 1 lạng thì người dân sẽ bán được hơn 12 triệu đồng cho nên bà con rất ý thức việc giữ rừng để trồng dược liệu, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hướng đến vùng dược liệu trọng điểm

Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, trong đó có 30 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, hồng đẳng sâm...

Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ngoài việc là điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thì còn là địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn; khí hậu mát mẻ quanh năm, có rất nhiều loài cây dược liệu tự nhiên sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, là điều thuận lợi cho việc tiếp nhận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thử nghiệm, sản xuất một số loại cây dược liệu có năng suất, chất lượng, giá trị cao. Giờ đây, thu nhập của nhiều nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng lên nhiều so với trước nhờ trồng cây dược liệu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông Phạm Thanh Bình cho biết, chủ trương của huyện là phát triển toàn diện các loại dược liệu, nhất là dược liệu dưới tán rừng và chế biến sâu các loại dược liệu. Ðây là một trong những định hướng chủ lực phát triển kinh tế của huyện cũng như của tỉnh. Dự kiến đến năm 2050, huyện sẽ phát triển hơn 1.000 ha cây dược liệu và thu hút các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn. Ðối với các hộ dân tộc thiểu số, huyện đang vận động và hỗ trợ chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, chuyển các diện tích cây có thu nhập thấp sang diện tích trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn (thu nhập cao hơn) cho người dân xóa đói, giảm nghèo.

"Ngoài các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ sinh kế cộng đồng, giảm nghèo thì huyện có chính sách về hỗ trợ giống, kỹ thuật, hỗ trợ cải tạo đất, quy hoạch vùng trồng để xây dựng các vùng trồng tập trung, từ đó phát triển mạnh vùng dược liệu tập trung", đồng chí Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Chị Y Thanh, thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết, trước đây vườn nhà chủ yếu trồng sắn, do thiếu đầu tư mà năng suất thấp, giá cả không ổn định nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Từ khi gia đình quyết định chuyển sang trồng cây dược liệu thì thấy rất thích hợp với đất nơi đây, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Còn theo anh Trần Ðức Hòa, Hợp tác xã Nông nghiệp-Du lịch trải nghiệm Kon Tu Rằng, từ khi chuyển sang trồng cây dược liệu, các loại như sâm đại quang, cây cỏ ngọt… cho thấy rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Công chăm sóc hầu như không phải bỏ ra, chỉ sử dụng nước tự nhiên ở trên suối về tưới. Kinh tế các hộ dân cũng như thành viên hợp tác xã phát triển.

Ðến nay trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã có nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các sản phẩm đưa vào liên kết sản xuất như sâm dây, sâm đương quy, đinh lăng, ba kích, sa nhân… Một số sản phẩm đã được thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì và đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ (như sâm dây Măng Ðen, đương quy Măng Ðen, chuối rừng Măng Ðen, trà sâm dây Măng Ðen…). Theo định hướng đến năm 2030, diện tích trồng dược liệu ở huyện Kon Plông sẽ lên đến khoảng 2.500 ha, vì vậy các khâu chế biến, tiêu thụ đang được huyện chú trọng, khuyến khích phát triển.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/kon-tum-bao-ton-trong-duoc-lieu-duoi-tan-rung-post801925.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum bảo tồn, trồng dược liệu dưới tán rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO