Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Theo đánh giá, sau 4 năm triển khai Đề án phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2017-2020 đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức. Các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp trong đề án về cơ bản đã hoàn thành.
Kết quả, tội phạm về hình sự được kiềm chế, số vụ xảy ra năm sau giảm so với năm trước, đặc biệt năm 2019 giảm 7,39%, năm 2020 giảm 5,43%. Tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt trên 80%.
Trong 4 năm triển khai Đề án, lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc đã rà soát, đưa 1.785 băng nhóm tội phạm có tổ chức xâm phạm về trật tự xã hội vào diện quản lý theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng ngừa đấu tranh xử lý; trong đó có nhiều nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, sử dụng vũ khí nóng…
Tuy nhiên, theo nhận định, tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý kinh tế - xã hội, kết hợp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước và huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm.
Lực lượng công an các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.
Đối với Đề án Chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội, giai đoạn 2017-2020, qua 4 năm triển khai, việc lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp để tập trung chuyển hóa được thực hiện đúng quy trình, bám vào các chỉ tiêu, chỉ số, với tỷ lệ địa bàn chuyển hóa đạt 64,38%.
Việc thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội đã góp phần tạo chuyển biến về an ninh trật tự tại các địa phương, kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự trong năm, nhất là tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm.