Kinh tế trang trại ngày càng khẳng định vị thế

Phan Tuấn| 03/06/2021 09:16

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp có quy mô và ngày càng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các trang trại góp phần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động…

ADQuảng cáo

Phù hợp với định hướng phát triển

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, trên địa bàn tỉnh có 286 trang trại sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 70 trang trại trồng trọt, 137 trang trại chăn nuôi, 79 trang trại tổng hợp.

Diện tích sản xuất bình quân của các trang trại đạt khoảng 7 ha/trang trại. Doanh thu bình quân của các trang trại đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. Nhiều trang trại có quy mô lớn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất.

Những năm qua, anh Mai Ngọc Yên (SN 1990), ở huyện Tuy Đức, đã phát triển trang trại trồng bơ, sầu riêng, với quy mô 25 ha. Các giống cây trồng mà anh Yên lựa chọn sản xuất bao gồm: Sầu riêng Thái Lan; các loại bơ như 034, pink, hass, lam hass...

Trang trại 25 ha của anh Mai Văn Yên, huyện Tuy Đức đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng, bơ

Trong quá trình sản xuất, anh Yên áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ. Nhờ đó sản phẩm từ trang trại của anh bảo đảm về chất lượng, có thể cung ứng cho thị trường ổn định, với số lượng lớn.

Theo anh Yên, trong quá trình phát triển trang trại, anh tạo niềm tin đối với hệ thống phân phối, người tiêu dùng bằng cách tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cụ thể, anh xây dựng được thương hiệu đối với một số kênh phân phối ở TP. Hồ Chí Minh, nên bảo đảm đầu ra ổn định, mang về nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, trang trại của anh Yên tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 70 lao động, với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Trang trại Gia Ân, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), có quy mô hơn 13 ha, chủ yếu trồng bơ, sầu riêng, măng cụt… Trong đó, trang trại tập trung sản xuất chuyên sâu 10 ha măng cụt. Hàng ngày, trang trại có khoảng 10 lao động chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ năm 2016 trở lại đây, sản phẩm măng cụt của trang trại Gia Ân đạt tiêu chuẩn của quy trình GlobalGAP, có thể xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Trần Quang Đông, Chủ trang trại Gia Ân, bình quân mỗi năm, trang trại xuất bán ra thị trường khoảng 50 tấn măng cụt. Sau khi trừ chi phí, trang trại cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng. Trong quá trình phát triển, trang trại tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

ADQuảng cáo

Dự kiến, khi toàn bộ hơn 10 ha măng cụt của trang trại bước vào giai đoạn sung sức có thể đạt tới 200 tấn quả/năm. Từ đó, tạo ra nguồn sản phẩm lớn, mang lại thu nhập cao hơn.

Vẫn cần thêm động lực

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian qua, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển lạc quan. Trước hết, người dân đã đầu tư sản xuất quy mô trang trại bài bản hơn, xóa bỏ dần các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả.

Sự phát triển của các trang trại còn tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Các trang trại góp phần định hướng sản xuất hàng hóa của ngành Nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phần lớn trang trại hiện nay phát triển chủ yếu mang tính tự phát, thiếu định hướng. Việc cơ giới hóa trong sản xuất trong các trang trại còn hạn chế.

Khâu áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa được các trang trại quan tâm đầu tư để tăng giá trị sản phẩm. Phần lớn các trang trại, hộ sản xuất thiếu vốn sản xuất, nguồn vốn vay thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất.

Nhiều trang trại chưa tiếp cận được kênh vay vốn tín chấp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư sản xuất theo quy mô trang trại.

Tuy nhiên, để sản phẩm của trang trại có thể cạnh tranh, đứng vững trên thị trường, đòi hỏi phải tạo ra mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp).

Cũng theo bà Tình, ngành Nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các trang trại tiếp cận, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế trang trại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế trang trại ngày càng khẳng định vị thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO