Dự trữ ngoại hối ròng của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận mức -151,3 triệu USD vào ngày 19/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Số liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy dự trữ ngoại hối ròng của nước này đã lần đầu tiên rơi xuống mức âm kể từ năm 2002.
Cụ thể, dự trữ ngoại hối ròng của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBT) ghi nhận mức -151,3 triệu USD vào ngày 19/5 vừa qua.
Các chuyên gia cho rằng điều này có liên quan đến những nỗ lực gây tranh cãi gần đây của chính phủ trong việc cố gắng giữ đồng nội tệ lira ổn định bằng cách thực thi các chính sách phi chính thống và cố gắng duy trì lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Điều này đã mang lại không ít rủi ro cho nền kinh tế thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Giáo sư kinh tế Selva Demiralp tại Đại học Koc ở Istanbul nhận xét CBT đã cố gắng bù đắp những tác động bất lợi của môi trường lãi suất thấp đối với tỷ giá hối đoái bằng cách bán ra ngoại tệ.
Tính đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như đã cạn kiệt và sau khi điều chỉnh với các thỏa thuận hoán đổi, dự trữ ngoại hối ròng đã xuống mức âm.
Cũng theo bà Demiralp, đối với một nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai mỗi tháng khoảng 8 tỷ USD, việc dự trữ ngoại hối ròng rơi xuống mức âm là rất báo động, vì nó có thể gây gián đoạn hoạt động thương mại, cắt đứt chuỗi cung ứng và làm đình trệ sản xuất không chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn của cả các đối tác trong mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay.
Gần đây, Nga đã phải đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ lùi thời gian thanh toán 600 triệu USD nhập khẩu khí đốt tự nhiên sang năm 2024. Trước đó hồi tháng Ba, Saudi Arabia cũng phải gửi 5 tỷ USD vào Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ để giúp Ankara hạ “cơn khát” ngoại tệ.
Dự trữ ngoại hối cạn kiện và tỷ lệ lạm phát cao, ở mức 44%, đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây vẫn nói rằng ông sẽ không thay đổi chính sách kinh tế nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.
Hiện đồng nội tệ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã trượt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng euro và USD khi mất gần 80% giá trị trong 5 năm qua.
Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu quyết định vào ngày 28/5 tới để bầu chọn tổng thống. Một trong những ưu tiên hàng đầu của người giành chiến thắng sẽ là giải quyết tình trạng lạm phát cao và ngăn đà trượt dốc của đồng nội tệ.
Theo chuyên gia Emre Akcakmak, cố vấn cấp cao tại East Capital có trụ sở tại Dubai, bất kể ai giành chiến thắng thì chính phủ mới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần phải khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan đến giảm sút dự trữ ngoại hối, nợ ngắn hạn nước ngoài ngày càng tăng, thâm hụt tài khoản vãng lai phình to, lạm phát cao và tình trạng có một lượng lớn tiền gửi được bảo đảm bằng ngoại tệ.
Hồi tháng Tư vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2023 xuống còn 2,7% nhưng nâng dự báo cho năm sau lên 3,6%./.