Thời gian đầu sản xuất hồ tiêu, ông Chiểu nhận thấy người dân trong vùng sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, cây hồ tiêu gần như được "tắm" trong thuốc hóa học.
Ông Chiểu không làm như thế mà quyết tâm áp dụng biện pháp sinh học để chăm sóc vườn cây của mình. Ông Chiểu cho biết, sử dụng phân sinh học trong nông nghiệp có rất nhiều biện pháp.
May mắn đối với ông khi tham gia vào HTX Nông sản hữu cơ Bechamp, ông đã học hỏi được phương pháp hiệu quả. Đó là phương pháp tự nhân nuôi vi sinh vật, sản xuất phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học cho cây trồng.
Ông Vũ Quang Chiểu tận dụng trái cây trong vườn để làm phân hữu cơ vi sinh |
Theo ông Chiểu, phương pháp tự nhân nuôi vi sinh vật khá đơn giản, có thể tiết kiệm được hơn 50% chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên 1 ha cây trồng.
Ông Chiểu cho biết, để tạo nên nông trại sạch, ông sử dụng chế phẩm sinh học vi sinh vật được làm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương. Các nguyên liệu tự nhân nuôi vi sinh khá dễ kiếm như: mít, đu đủ, chuối, xác bã thực vật…
Cụ thể, nguyên liệu tạo vi sinh bao gồm có 2 hộp sữa chua, 4 gói men tiêu hóa, 5 viên men rượu, 1 quả đu đủ hoặc bí ngô, 2 quả chuối, 50 gram cám gạo. Chuối, đu đủ cần được nấu chín, xay nhuyễn.
Vườn hồ tiêu trồng xen sầu riêng của ông Vũ Quang Chiểu sinh trưởng, phát triển ổn định nhờ canh tác theo hướng hữu cơ sinh học |
Ông sử dụng 1 thùng chứa có nắp dung tích 20 lít trộn đều với 1 lít mật rỉ đường. Sau đó cho tất cả nguyên liệu vào tiếp tục khuấy đều rồi đậy nắp lại. Đây là phương pháp tạo men IMO 4, sau khoảng 15 ngày là thu được thành phẩm.
Từ chế phẩm men vi sinh IMO 4, ông Chiểu tiếp tục nhân nuôi với tỷ lệ 1 lít men gốc pha với 10 lít nước cộng lượng nhỏ rỉ đường để tạo men thứ cấp. Theo đó, khoảng 30 lít chế phẩm có thể pha được 1.000 lít nước để sử dụng bón cho cây trồng.
Cũng theo ông Chiểu, sử dụng phân bón vi sinh giúp tiết kiệm chi phí, an toàn cho người sử dụng và môi trường. Đồng thời, sản phẩm làm ra hoàn toàn tự nhiên, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Với phương pháp này, vườn cây của ông phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh như cách làm thông thường. Canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất luôn ổn định. Trong đó, hồ tiêu đạt từ 3 – 4 tấn/ha, không xảy ra hiện tượng năm nay được mùa, năm sau mất mùa.
Sử dụng phân vi sinh giúp cây tiêu phát triển rễ khỏe, các loại sinh vật có ích sinh sôi nhiều hơn |
Trong phòng trừ sâu bệnh, ông Chiểu cũng tự làm chế phẩm hữu cơ phòng ngừa dịch bệnh cho cây. Thành phần chủ yếu từ tỏi, ớt phối hợp với lá cây có vị đắng như lá xuyến chi, cúc vạn thọ, cây bạc đầu… để xua đuổi con trùng. Đối với nấm bệnh, ông kết hợp thêm với các men vi sinh IMO 4, Trichoderma, chế phẩm Bio…
Theo ông Hoàng Văn Tăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, gia đình ông Vũ Quang Chiểu là một trong những hộ đi tiên phong trong việc áp dụng giải pháp canh tác hữu cơ, sinh học vào sản xuất.
Mô hình nông trại hồ tiêu hữu cơ của ông Chiểu có sức lan tỏa mạnh mẽ đến với nhiều hộ nông dân. Hiện toàn xã có hơn 30 ha tiêu hữu cơ có chứng nhận, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học.
"Đây là mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp, ngành, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình hồ tiêu cảnh quan của địa phương", ông Tăng cho biết.